GIỚI THIỆU VÀ THAM VẤN TRIỂN KHAI DỰ ÁN “BẢO TỒN RỪNG, HỆ SINH THÁI BIỂN VÀ CÁC LOÀI NGUY CẤP TẠI BÁN ĐẢO SƠN TRÀ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG”

Ngày 16/4/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm GreenViet tổ chức Hội thảo Giới thiệu và tham vấn triển khai dự án “Bảo tồn rừng, hệ sinh thái biển và các loài nguy cấp tại Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” (Dự án) do Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam tài trợ.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng và đại diện các đơn vị chuyên ngành liên quan

Hội thảo có sự tham gia của 35 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan chức năng đến các đơn vị chuyên ngành gồm: Cục Kiểm ngư, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện Hải dương học Nha Trang, Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam, UBND Quận Sơn Trà, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Biển đảo và Môi trường, Chi cục Thủy sản, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, UBND các phường Mân Thái và Nại Hiên Đông, Khoa Sinh – Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành,.

Ông Trần Đình Phúc – PCT Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo và mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp từ các đại biểu về kế hoạch thực hiện dự án

Tại hội thảo, ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm GreenViet giới thiệu mục tiêu, kết quả, hoạt động và các đối tác chính của dự án; khẳng định rừng và biển Sơn Trà có vai trò quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục nâng cao nhận thức, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế và sự cần thiết phải tăng cường hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn.

Ổng Trần Hữu Vỹ – Giám đốc GreenViet trình bày nội dung và mục tiêu của dự án

Dự án được thực hiện trong 3 năm (2024-2026) với tổng ngân sách khoảng 5,9 tỷ đồng. Dự án hướng đến bảo tồn bền vững đa dạng sinh học rừng và biển của Bán đảo Sơn Trà với các mục tiêu chính: Thiết lập được cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Bán đảo Sơn Trà; Bảo tồn hiệu quả loài Chà vá chân nâu với số lượng cá thể tăng 5%; Khoảng 30% người dân quận Sơn Trà, lãnh đạo các cấp của thành phố Đà Nẵng ủng hộ bảo tồn hệ sinh thái rừng và biển Sơn Trà; Xây dựng nội dung thuyết minh về Đề án thành lập Trung tâm Khoa học và Giáo dục thiên nhiên; Đánh giá được tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển Sơn Trà.
Để đạt được các mục tiêu trên, dự án tập trung vào các hoạt động chính như: cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu ĐDSH của Sơn Trà rừng, biển và đưa dữ liệu lên trang thiên nhiên Đà Nẵng; nghiên cứu và đánh giá được giá trị kinh tế của các dịch vụ dựa trên tài nguyên ĐDSH của Bán đảo Sơn Trà nhằm đề xuất các chính sách quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; Điều tra, giám sát và kết nối sinh cảnh sống cho quần thể Chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà; Nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng và cán bộ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn; Truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn ĐDSH Bán đảo Sơn Trà qua các sự kiện, video, bảng biểu; Xây dựng nội dung thuyết minh về Đề án thành lập Trung tâm Khoa học và Giáo dục thiên nhiên; Điều tra, đánh giá cơ sở khoa học về tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển Sơn Trà.

 

TS. Phạm Thùy Linh cho biết Sơn Trà đã được đưa vào Quy hoạch thành lập Khu Bảo tồn biển

Hội thảo có sự tham gia của TS. Phạm Thùy Linh, đại diện Cục Kiểm ngư trình bày tham luận về định hướng thành lập khu bảo tồn biển. Theo đó, tại Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ thành lập thêm 14 Khu bảo tồn biển, trong đó có Khu bảo tồn biển Sơn Trà, Đà Nẵng.

Bà Phạm Thị Chín đại diện Chi cục Biển đảo và Môi trường đóng góp ý kiến tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã thể hiện sự ủng hộ dự án, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm hay để giúp dự án đạt được mục tiêu. Bà Phạm Thị Chín, Phó chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Môi trường cho biết: Dự án này rất phù hợp với mục tiêu đề án Đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng 2030 tầm nhìn 2045, phù hợp với tầm nhìn xây dựng thành phố môi trường.

Với mục tiêu tăng số lượng cá thể Chà vá chân nâu lên 5%, ông Trần Trọng Anh Tuấn – Phó trưởng phòng Bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học – Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng: “Cần xác định số lượng loài hiện tại và đánh giá môi trường sống, những sức ép, tác động đến quần thể”. Liên quan đến Đề án thành lập Trung tâm Khoa học và Giáo dục thiên nhiên, TS. Trần Thanh Sơn – PGĐ Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành cho biết: “Hoạt động giáo dục nhận thức rất quan trọng, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Ý tưởng của GreenViet và UBND Quận Sơn Trà rất phù hợp và cần thiết. Chúng ta đã có nền tảng rồi, dựa vào đó sẽ phát triển thành một trung tâm mang tầm khu vực và có thể là cho cả Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Minh Lý cho biết sẽ đồng hành cùng GreenViet để hoàn thiện và cập nhật dữ liệu trang thông tin thiên nhiên

Đối với mục tiêu cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Sơn Trà lên website www.thiennhiendanang.vn, PGS.TS Nguyễn Minh Lý, Trưởng Khoa Sinh – Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khẳng định: Khoa sẽ tiếp tục đồng hành thực hiện mục tiêu này, trong đó nên cần sắp xếp lại tài liệu cho dễ truy cập và truyền thông đến càng nhiều giáo viên càng tốt để hỗ trợ phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường thể hiện sự quan tâm đến việc bảo tồn hệ sinh thái biển Sơn Trà.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường – Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam khẳng định sẽ sẵn sàng chia sẻ cơ sở dữ liệu khoa học để đóng góp cho Trang thông tin thiên nhiên Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia hội thảo lần này đều bày tỏ sự ủng hộ dự án, đồng thời sẵn sàng hợp tác với GreenViet đề nghiên cứu, thực hiện các mục tiêu đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post