VỌOC CHÀ VÁ CHÂN NÂU VIỆT NAM ĐẾN BẮC MỸ

Hội nghị Bắc Mỹ về bảo tồn sinh học lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 17 đến 21 tháng 7 năm nay tập trung về chủ đề khoa học truyền thông trong bảo tồn sinh học.

Hội nghị Bắc Mỹ về bảo tồn sinh học là một chương trình do Hiệp hội Bảo tồn Sinh học (Society for Conservation Biology) đứng ra tổ chức [1]. Hội nghị được xem là chương trình khoa học quan trọng nhất của các chuyên gia và sinh viên nghiên cứu bảo tồn sinh học của khu vực Bắc Mỹ [2]. Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên vào tháng Bảy năm 2012 tại Oakland, California với sự tham gia của gần 900 nhà khoa học, chuyên gia và sinh viên bảo tồn sinh học [3]. Cứ hai năm một lần, Hội nghị lại được tổ chức nhằm cung cấp một diễn đàn để thảo luận và trình bày các nghiên cứu mới trong khoa học bảo tồn nhằm giải quyết các thách thức của bảo tồn hiện nay. Hội nghị lần thứ ba được tổ chức vào tháng Bảy năm nay ở Madison, bang Wiscosin của Mỹ.

Hội nghị năm nay tập trung vào việc làm nổi bật các vấn đề lồng ghép truyền thông nâng cao nhận thức một cách hiệu quả trong công tác bảo tồn sinh học. Để truyền tải các thông tin nghiên cứu khoa học thành các thông điệp đến với người nghe, chúng ta phải vượt qua rất nhiều rào cản để tiếp cận và trao quyền cho cộng đồng bảo vệ chính tài nguyên đa dạng sinh học của họ trên Thế giới, và để có thể tác động đến việc thay đổi chính sách phù hợp cho bảo tồn sinh học tại mỗi vùng lãnh thổ. Hội nghị lần này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy và khuyến khích các phương pháp bảo tồn thông qua các kênh truyền thông, giao tiếp thông tin, đối thoại trực tiếp nhằm huy động sự tham gia sâu rộng của các nhóm cộng đồng khác nhau. Đây là điều rất quan trọng cho các nhà bảo tồn [4].

Trong Hội nghị lần này, đại diện Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh trình bày trong khuôn khổ ngày thứ 4, trong nhóm Chuyên đề số 48 được Tiến sĩ Chia Tan và Tiến sĩ Cintia Garai tổ chức với tên gọi: Tạo ra các mạng lưới hợp tác tốt hơn để cộng đồng tham gia vào bảo vệ các loài linh trưởng (Creating Collaborative Networks to Better Engage the Public in Caring for Primates) [5].

Chị Lê Thị Trang tại Chuyên đề 48 ở Hội nghị NACCB

Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, Đà Nẵng đến với Hội nghị Bảo tồn Bắc Mỹ thông qua bài giới thiệu về mô hình cộng đồng chung tay bảo vệ Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Đại diện Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, bà Lê Thị Trang đã trình bày chủ đề  “It Takes a Team to Save the Endangered Red-shanked Douc: Education and Outreach Programs for the Citizens and Visitors of Da Nang, Viet Nam” (Để bảo vệ loài Vọoc chà vá chân nâu nguy cấp cần sự tham gia của cả cộng đồng: Mô hình các chương trình giáo dục và ngoại khóa cho công dân và khách du lịch ở Đà Nẵng, Việt Nam) [6].

Qua bài trình bày dài 12 phút, hình ảnh Vọoc chà vá chân nâu Sơn Trà hiện lên như một đại sứ kết nối các nhóm cộng đồng và cơ quan chức năng ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững, một câu chuyện rất hiếm có trong các thách thức bảo tồn hiện nay. Qua đó, hình ảnh về một thành phố đáng sống của Đà Nẵng, Việt Nam nơi có các lực lượng chức năng đầu ngành đứng ra đồng lòng cùng người dân bảo vệ loài động vật độc đáo của mình, đã được các chuyên gia đánh giá rất cao. Ngay sau bài trình bày, có ba đại diện từ các tổ chức bảo tồn tại Mỹ đã đến nói chuyện với đại diện Trung tâm GreenViet để tìm hướng hợp tác viết các đề xuất về bảo tồn.

Bà Lê Thị Trang đã trình bày chủ đề  “It Takes a Team to Save the Endangered Red-shanked Douc: Education and Outreach Programs for the Citizens and Visitors of Da Nang, Viet Nam”

Hội nghị Bảo tồn Bắc Mỹ NACCB là chương trình đầu tiên trong chuyến công tác trao đổi chuyên gia giữa Trung tâm GreenViet và các đối tác tại Mỹ năm nay. Trong tháng Tám và tháng Chín, các đại diện của Trung tâm GreenViet sẽ tiếp tục tham gia đợt tập huấn linh trưởng tổ chức bởi vườn thú San Diego Zoo và tổ chức LVDI International Inc., trao đổi hợp tác với đại diện Viện nghiên cứu bảo tồn của vườn thú ở bang California, đồng thời tham gia Hội nghị linh trưởng quốc tế IPS tại bang Chicago.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post