ĐA DẠNG KHU HỆ CHIM Ở BÁN ĐẢO SƠN TRÀ, ĐÀ NẴNG

Khu hệ chim ở khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà phong phú đa dạng với 104 loài, trong đó phát hiện 1 loài chim mới là Cu vằn. Bên cạnh đó, các hoạt động săn bắt lậu và hoạt động phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà cũng gây tác động không nhỏ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bán Đảo Sơn Trà được chính thức thành lập từ năm 1989 (theo Quyết định phê duyệt Luận chứng kinh tế kĩ thuật rừng đặc dụng Sơn Trà, số 2062/QĐ-UB ngày 12/9/1989 của UBND tỉnh Quảng Nam – Đã Nẵng) trên cơ sở chuyển đổi Khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà (theo Quyết định số 41-TTg ngày 24/01/1977 của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra, khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (BTTN) là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo nhưng đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Nghiên cứu về khu hệ động vật ở đây chủ yếu tập trung vào các loài linh trưởng (Van Peenen et al., 1971[33], Đinh Thị Phương Anh, Huỳnh Ngọc Tạo, 2000[2]) như Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) hay loài khỉ được cho là dạng trung gian giữa Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) và Khỉ vàng (Macaca mulatta). Gần như, cho đến nay chưa có một nghiên cứu đầy đủ, hệ thống nào về khu hệ chim ở Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Năm 1997 trong đề tài nghiên cứu đa dạng sinh học chung ở Sơn Trà của Đinh Thị Phương Anh và cs. (1997) có đưa ra danh sách các loài chim ghi nhận ban đầu ở Sơn Trà. Việc nghiên cứu đa dạng thành phần loài chim nhằm bổ sung dữ liệu khoa học cho khu hệ động vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học và giáo dục bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái quan sát chim nơi đây.

Trong năm 2014, phòng Nghiên cứu khoa học, trung tâm GreenViet đã phối hợp với học viên cao học (Trương Quốc  Đại) của Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm – ngành Thạc sỹ Sinh thái học và PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện đề tài “Nghiên cứu đa dạng thành phần loài và sự phân bố của các loài chim ở khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng”. Kết quả nghiên cứu được sử dụng trong báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn cao học của học viên Trương Quốc Đại và luận văn tốt nghiệp của sinh viên khóa 11CTM (Nguyễn Thị Hương Giang), Khoa Sinh – Môi trường. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nông nghiệp phát triển nông thôn, 2014. Mục tiêu của chương trình nghiên cứu là (1) Xác định thành phần loài và sự phân bố của các loài chim theo các sinh cảnh ở khu vực nghiên cứu và (2) Xác định các yếu tố chính tác động đến khu hệ chim và đề xuất một số biện pháp bảo tồn, phát triển bền vững.

Qua 4 tháng khảo sát từ tháng 07 đến tháng 11.2014, chúng tôi đã ghi được một số kết quả. Trong đó, khu hệ chim tại KBTTN bán đảo Sơn Trà có 104 loài thuộc 79 giống, 43 họ, 14 bộ. Ghi nhận mới cho khu vực nghiên cứu 41 loài chim. Có 80 loài định cư, 30 loài di cư, 20 loài vừa có quần thể định cư vừa có quần thể di cư. Có 4 loài chim quan trọng cần ưu tiên bảo tồn bao gồm 1 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2014) và Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở bậc VU (loài Đuôi cụt bụng đỏ), và 3 loài có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ở nhóm IIB (loài Diều hoa miến điện, Yểng, Chích chòe lửa). Về cấu trúc thành phần loài, bộ Sẻ đa dạng nhất ở các bậc taxon với 24 họ, 58 loài. Bộ Sả có số họ đa dạng đứng thứ hai với 4 họ và 7 loài. Bộ Bồ câu tuy có 1 họ nhưng có tới 8 loài. Có tới 4 bộ chỉ có duy nhất 1 loài là bộ Cắt, bộ Cú, bộ Cú mèo và bộ Yến. Tần suất phát hiện chim trên sinh cảnh rừng nguyên sinh là cao nhất với 43.5% tổng số lần quan sát chim trong suốt thời gian nghiên cứu. Tỉ lệ phát hiện chim cao tiếp theo là trên sinh cảnh rừng thứ sinh. Tỉ lệ thấp nhất thuộc về sinh cảnh ven biển với các bãi cát, đá chỉ có 5.9%. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến các loài chim hoang dã ở KBTTN bán đảo Sơn Trà là nạn săn bắn chim trái phép, diện tích rừng bị thu hẹp và tác động mạnh do các hoạt động phát triển du lịch, khách sạn.

Một số hình ảnh:

Bông lau họng vạch (Pycnonotus aurigaster). Ảnh: Tuấn GreenViet
Cú vọ lưng nâu (Ninox scutulata). Ảnh: Tuấn GreenViet
Diều hoa miến điện (Spilornis cheela). Ảnh: Tuấn GreenViet
Chim khách đuôi cờ (Racquet-tailed Treepie Crypsirina temia). Ảnh: Tuấn GreenViet
Hút mật bụng hung (Hill Blue Flycatcher). Ảnh: Tuấn GreenViet
PSG.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn hướng dẫn nhận dạng tên loài chim bằng phương pháp bẫy lưới mờ.
Quan sát và chụp hình chim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post