PHỤC HỒI QUẦN THỂ “VOỌC HÀ TĨNH” TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN KẺ GỖ, HÀ TĨNH
Khu BTTN Kẻ Gỗ tiếp nhận thêm 03 cá thể Voọc Hà Tĩnh về với tự nhiên trong giai đoạn 2 của dự án “Tái hòa nhập loài Voọc Hà Tĩnh về lại tự nhiên tại khu BTTN Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh”.
Vào ngày 03/7/2016, trước sự chứng kiến của hơn 30 cán bộ tỉnh Hà Tỉnh, Chi cục kiểm lâm, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ, Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương (EPRC), Trung tâm GreenViet đã chính thức đưa thêm 03 cá thể Vooc Hà Tĩnh về với tự nhiên nhằm mục tiêu khôi phục lại quần thể Voọc nguy cấp, quý hiếm đã từng được ghi nhận tại KBTTN này.
Đây là pha 2 của dự án tái hòa nhập loài Voọc Hà Tĩnh về lại rừng tự nhiên tại KBTTN Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh được triển khai và giám sát bởi sự hợp tác của 03 đơn vị gồm Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn quốc gia Cúc Phương (EPRC) và Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ và Trung tâm GreenViet. Trong đó, Trung tâm GreenViet điều phối chuỗi hoạt động giám sát động vật sau khi tái hòa nhập và tư vấn vận hành hệ thống thiết bị giám sát.

Khu BTTN Kẻ Gỗ nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh và phía đông của dãy Trường Sơn Bắc, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 20 km về phía Tây Nam và cách quốc lộ 1A khoảng 15 km về phía Đông. Phía Đông và Đông Bắc giáp các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên; phía Nam giáp với xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh; phía Tây Nam giáp xã Hương Hoá, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp các xã Hương Trạch, Lộc Yên, huyện Hương Khê. Bao quanh khu bảo tồn là các khu dân cư của 8 xã thuộc 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê.
KBTTN Kẻ Gỗ được chính thức thành lập đầu tiên vào ngày 28 tháng 12 năm 1996. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 970/TTg về việc xác lập KBTTN vùng rừng quốc gia hồ Kẻ Gỗ thuộc hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Theo quyết định mới nhất số 3600/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ tại huyện Thạch Hà có tổng diện được giao là 45.445,7 ha, trong đó rừng đặc dụng là 21.758,9 ha, rừng phòng hộ là 16.981,8 ha, diện tích mặt nước hồ Kẻ Gỗ và đất lâm nghiệp là 2.891,0 ha.

Trước khi tiến hành công việc tái hòa nhập động vật về lại tự nhiên, Trung tâm GreenViet cùng với cán bộ KBBTN Kẻ Gỗ, EPRC thực hiện rất nhiều đợt khảo sát, đánh giá và thảo luận nhằm đưa ra các lựa chọn tối ưu nhất đảm bảo được sự thích nghi của động vật với môi trường tự nhiên. Các cá thể Voọc Hà Tĩnh được tái hòa nhập trong pha 2 của dự án này được cứu hộ và nuôi dưỡng tại EPRC. Các bước kiểm tra y tế, dịch bệnh, và sức khỏe đã được tiến hành nhiều lần trước thời điểm tái thả. Ngoài ra, các cá thể này đã được làm quen với môi trường sống bán hoang dã (Semi-free area) trong 6 tháng tại trung tâm EPRC, Vườn quốc gia Cúc Phương. Trong điều kiện bán hoang dã, các cá thể Voọc được làm quen với môi trường tự nhiên, điều chỉnh giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn được cung cấp bởi các nhân viên chăm sóc của trung tâm, cũng như làm quen với việc vận động tìm kiếm thức ăn, di chuyển, và các tập tính xã hội khác. Sau một thời gian dài được cứu hộ, chăm sóc, sinh trưởng và phát triển ở trong điều kiện nuôi nhốt thì việc trở lại với cuộc sống tự nhiên đối diện với rất nhiều thách thức.

Để thuận lợi cho công tác giám sát động vật sau khi tái hòa nhập, nhóm giám sát gồm 01 cán bộ chuyên trách của trung tâm GreenViet và 01 cán bộ KBBT Kẻ Gỗ đang làm việc ngày đêm ngoài hiện trường để theo dõi tình hình sức khỏe cũng như ăn uống, đi lại của động vật. Nhóm giám sát dựng 01 lán trại nhỏ cách khu vực tái hòa nhập động vật khoảng 100m để tiện cho việc đi lại và quan sát, nắm bắt thông tin.

03 cá thể Voọc đã được gắn 3 vòng đeo cổ – là 01 loại thiết bị phát sóng raido tần số ngắn giúp cho cán bộ giám sát dễ dàng tìm kiếm vị trí động vật đang ở bằng máy dò tín hiệu. Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học của trung tâm GreenViet đang điều phối chương trình này và đảm nhận công việc vận hành thiết bị giám sát cho biết: “3 máy phát tín hiệu được cài đặt vào các thời gian khác nhau để đảm bảo không bị chống lấn về tần số sóng và đảm bảo việc tìm kiếm được động vật mỗi ngày”. Theo đó, phần kỹ thuật đã cài đặt mỗi máy phát sóng trong vòng 2 tiếng. Cá thể thứ nhất phát sóng từ 7:00 – 9:00 sáng, và máy thứ 2 phát vào lúc 9:30 – 11:30, máy thứ 3 phát vào buổi chiều từ 14:00 – 16:00. Như vậy, việc tìm kiếm động vật sẽ diễn ra mỗi ngày từ 7:00 sáng đến 4:00 chiều. Trong thời gian 2 tiếng phát sóng ngắn, nếu cán bộ giám sát không tìm thấy được động vật thì công việc xem như thất bại và phải đợi đến giờ phát sóng của máy thứ 2.

Ngoài việc tìm kiếm động vật, nhóm giám sát thu dữ liệu tọa độ địa lý và đường đi chuyển, khoảng cách di chuyển trong ngày, và dữ liệu về các loài thực vật Voọc ăn, cách thức sử dụng tầng tán cây, giá thể của cây trong các hoạt động trong ngày…Dự kiến, chương trình giám sát sẽ kéo dài trong vòng 1 năm sau khi đưa động vật về tự nhiên.

Hy vọng rằng, với mọi nỗ lực trong công tác cứu hộ và tái hòa nhập động vật về lại tự nhiên, với sự hỗ trợ và hợp tác nhiệt tình từ ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ, của các đơn vị giám sát, việc phục hồi các quần thể động vật nguy cấp, quý hiếm ngoài tự nhiên sẽ được phục hồi.
Nguồn ảnh: Bùi Văn Tuấn/GreenViet