BẪY ẢNH – CAMERA TRAPS “SĂN” ĐƯỢC NHIỀU LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ QUÝ HIẾM TẠI VÙNG RỪNG MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN
Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam là nơi có sinh cảnh rừng đa dạng nhất bao gồm hệ sinh thái biển, đảo, bán đảo, rừng mưa nhiệt đới và cao nguyên. Tại đây hiện có 59 trong tổng số 88 Vườn quốc gia (VQG), khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng khu bảo vệ cảnh quan của cả nước.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực này đối diện với nhiều thách thức lớn do ảnh hưởng của việc phát triển kinh tế, áp lực săn bắn động vật hoang dã, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gia tăng dân số, phát triển kinh tế, …
Đứng trước hiện trạng như vậy, cùng với nhiều tổ chức bảo tồn, viện nghiên cứu, Trung tâm bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã triển khai việc sử dụng máy bẫy ảnh (camera traps) để điều tra, giám sát động vật tại các vùng phân bố trọng điểm nhằm cung cấp dữ liệu đa dạng sinh học tin cậy, làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý và bảo tồn trong khu vực. Các địa phương mà Trung tâm GreenViet đã và đang thực hiện chương trình điều tra động vật bằng bẫy ảnh là Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Từ năm 2016 đến năm 2022, Trung tâm GreenViet đã đặt hơn 1000 điểm máy bẫy ảnh tại những khu vực rừng trọng điểm để điều tra đa dạng động vật. Kết quả ghi nhận được hơn 100 loài động vật, trong đó có 20 loài thú, 40 loài chim, nhiều loài bò sát và đặc biệt là các loài quý hiếm như: Chà vá chân nâu, Chà vá chân xám, Chà vá chân đen, Mèo rừng, Mang trường sơn, Sơn Dương, Cheo cheo lưng bạc, Rùa núi vàng, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, kỳ đà vân, …
HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI ĐỘNG VẬT QUÝ HIẾM ĐƯỢC GHI NHẬN BẰNG BẪY ẢNH (Nguồn: GreenViet)







Ông Hoàng Quốc Huy, trưởng phòng NCKH&QLDA Trung tâm GreenViet nhận định: “Bẫy ảnh thực sự đã tạo ra bước đột phá lớn trong nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học. Trước đây, khi chưa có bẫy ảnh, các nhà khoa học thưởng chỉ điều tra bằng các phương pháp truyền thống như: phỏng vấn thông tin từ người dân địa phương, điều tra tuyến, soi đêm để quan sát trực tiếp, dùng bẫy lồng để thu mẫu thú nhỏ, … và xác suất để bắt gặp, ghi nhận được động vật là rất thấp và tốn nhiều nỗ lực khảo sát. Với việc sử dụng máy bẫy ảnh, công việc điều tra nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn, tính chính xác và hiệu quả cao hơn, nỗ lực nghiên cứu được giảm thiểu đáng kể.
Và điều quan trọng nhất là bẫy ảnh giúp phát hiện được nhiều loài động vật quý, hiếm với số lượng cá thể còn lại ít trong tự nhiên. Bên cạnh việc điều tra đa dạng thành phần các loài động vật, bẫy ảnh còn được sử dụng hiệu quả để giám sát quần thể các loài động vật quý hiếm, đang được ưu tiên bảo tồn.”
Từ những kết quả trên, Trung tâm GreenViet đã xác định được những khu vực trọng điểm về phân bố của các loài động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm, từ đó có những hoạt động phối hợp với cơ quan chức năng địa phương, nâng cao công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật.
Theo thống kê, hiện đã có khoảng 51.400 loài được phát hiện ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã công bố trên 1.000 loài mới cho khoa học. Chỉ trong giai đoạn 2010-2020, các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả hơn 600 loài thực vật và động vật mới cho khoa học với các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam. Những dẫn liệu về các giống, loài mới được bổ sung trong những thập kỷ gần đây cho thấy thành phần khu hệ động, thực vật Việt Nam còn chưa được biết hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu phát hiện.
Nguyễn Văn Linh