ĐIỀU TRA HỆ THỰC VẬT CÙ LAO CHÀM – BƯỚC ĐỆM CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GreenViet và BQL Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang tiến hành thực hiện một hợp tác nghiên cứu điều tra hệ thực vật tại Cù Lao Chàm. Nhưng chính xác điều này có ý nghĩa gì tới sự phát triển của hòn đảo?

Nếu ai đã từng đi du lịch tới quần đảo Cù Lao Chàm xinh đẹp, khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2009, nằm cách thành phố Hội An chỉ 15km, chắc hẳn đã nghe tới đặc sản Cua đá nổi tiếng của người dân địa phương có mức giá lên tới 2 triệu đồng/kg. Cua đá phần lớn sống trong rừng tự nhiên, chúng ăn nấm, lá cây và quả rụng. Thế nên có thể nói rằng đời sống của loài này phụ thuộc nhiều đến đến hệ thực vật ở đây bởi đó vừa là nơi sống, kiếm ăn và là nơi trú ẩn của loài. Vì thế, những tác động tới hệ thực vật của quần đảo đều đem tới nguy cơ đối với loài cua đá, và sự sụt giảm số lượng của loài sẽ khiến cho việc làm ăn của người dân địa phương bị tổn hại phần nào. 

Loài cua đá đem về lợi nhuận cao cho bà con địa phương phụ thuộc vào hệ thực vật để có thể sinh tồn và phát triển (Ảnh Internet)

Thế nhưng, sự liên hệ ba bên giữa hệ thực vật, loài cua đá và người dân đảo được nêu ở trên chỉ là một trong những ví dụ nhỏ về vai trò của hệ thực vật bậc cao Cù Lao Chàm đối với sự phát triển bền vững của đảo. Trên thực tế, sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương có quan hệ mật thiết tới hệ thực vật Cù Lao Chàm và phụ thuộc rất lớn vào việc hệ thực vật nơi đây có được bảo tồn và quản lý hiệu quả hay không.

Quả thực, nếu thảm thực vật rừng bị suy giảm, người dân trên đảo là những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả do mất nước sạch. Thảm thực vật rừng trên đảo đóng vai trò lớn cho việc giữ và cung cấp nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân sinh sống ở đảo cũng như lượng lớn khách du lịch đến Cù Lao Chàm. Hệ thực vật rừng còn có vai trò điều hòa khí hậu, giảm tác động của các hiện tượng tự nhiên tới môi trường sống của người dân, che chắn gió, bão. Nó góp phần to lớn trong việc lưu trữ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân trên đảo hàng năm.

Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy được phần nào sức mạnh của rừng  trong việc che chắn gió, bão cho nhà cửa và người dân địa phương khi có sự cố.

Nhưng hiện nay, hệ thực vật tại Cù Lao Chàm đang phải chịu một áp lực ngày càng lớn do yếu tố con người gây nên, và hệ quả của hiện tượng này đó chính là sự suy giảm nguồn tài nguyên thực vật rừng của hòn đảo. Mặc khác, hệ quả này sẽ kéo theo sự mất đi môi trường sống tự nhiên của động vật, có thể dẫn tới sự suy giảm tài nguyên đa dạng động vật hoặc là sự mất đi vĩnh viễn của loài của đá hay một số loài nhạy cảm với thay đổi của môi trường trong khu vực mà chúng ta còn chưa biết đến. 

Khi không có sự điều tra tổng thể về hệ thực vật Cù Lao Chàm, những công trình xây dựng làm đường như trên có thể tình cờ phá đi những loài gỗ, cây thuốc hay thực vật quý hiếm

Nhận thức rõ ràng được điều này, GreenViet đã chủ động đề xuất với Ban Quản lý Bản tồn Biển Cù Lao Chàm (BQL BTB CLC) một dự án Điều tra thành phần loài và xây dựng danh lục thực vật bậc cao trên cạn tại đảo Hòn Lao, hòn đảo lớn nhất và là nơi có cư dân sống duy nhất tại trong 8 hòn đảo của Cù Lao Chàm. Từ tháng 11/2016 tới nay, GreenViet đã  phối hợp vơi BQL BTB CLC triển khai các nội dung thuộc dự án, sơ bộ ghi nhận ban đầu có thể có một số loài thực vật lần đầu được ghi nhận tại đây.

Nhóm nghiên cứu thực địa gồm cán bộ GreenViet, cán bộ BQL BTB CLC và người dân địa phương

“Phải hiểu chúng ta đang có những loài thực vật gì, số lượng bao nhiêu, phân bố ở đâu, thì mới có thể biết cách quản lý, bảo tồn và sử dụng chúng được hiệu quả”, anh Trần Ngọc Toàn, trưởng nhóm nghiên cứu thực vật của GreenViet giải thích lí do vì sao cần phải điều tra hệ thực vật Cù Lao Chàm. 

Toàn thu mẫu thực vật bao gồm lá, quả, hoa,… vào ban ngày và tiếp tục công việc phân loại loài vào buổi tối 

Đảo Cù Lao Chàm có các hệ sinh thái rừng giàu tiềm năng đa dạng sinh học và còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá. Tuy nhiên, số liệu về đa dạng sinh học trên cạn còn ít, chưa được tập hợp, cập nhật, tổng kết và đánh giá để tạo dữ liệu thống nhất, làm nền tảng cho việc quản lý, bảo tồn, quan trắc, giám sát biến động và sử dụng hợp lý tài nguyên thực vật cũng như nghiên cứu tiếp theo sau này.

Công việc nghiên cứu thực vật yêu cầu sự tỉ mẩn và chính xác khi đo đạc, và sự nhanh nhạy và sắc bén khi nhận dạng các loài cây giữa một rừng thực vật ngoài thực địa.

Cho tới nay, GreenViet phối hợp cùng BQL BTB CLC đã hoàn thành giai đoạn phỏng vấn người dân địa phương nhằm xác định các hộ dân có sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc là thực vật rừng tự nhiên. Thông qua phỏng vấn, cán bộ điều tra cũng đánh giá nhận thức của người dân về vai trò của thảm thực vật rừng trên cạn đối với đời sống của người dân trên đảo, với du lịch sinh thái và chính quyền địa phương. Phỏng vấn người dân là một công đoạn thường sẽ hé lộ nhiều điều thú vị và bất ngờ, và có cả những thông tin quan trọng về tình hình hệ sinh thái rừng địa phương. Trong nhiều trường hợp, người dân được phỏng vấn góp phần giúp chính những nhà nghiên cứu xác định vị trí phân bố và số lượng của những loài họ đang nghiên cứu.

Phỏng vấn người dân là một kĩ năng mà các nhà nghiên cứu GreenViet đều đã tôi luyện qua nhiều năm làm điều tra nghiên cứu với các đối tượng người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Được biết, một bộ phận người dân đảo có nguồn sinh kế dựa vào rừng, chủ yếu khai thác lâm sản ngoài gỗ. Bên cạnh đó số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, làm gia tăng nhu cầu sản phẩm du lịch, trong đó nhiều mặt hàng có nguồn gốc thực vật rừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ và phát triển bền vững hệ thực vật rừng tại đây. Với việc có cơ sở dữ liệu về loài, số lượng và phân bố của loài, BQL BTB CLC có thể quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên của mình tốt hơn, tránh việc mất đi những loài thực vật quý giá thậm chí trước khi chúng ta biết tới nó.

Anh Toàn bảo quản những mẫu thực vật để chờ vận chuyển về văn phòng GreenViet nơi anh có thể bắt đầu công việc định danh loài

Trong giai đoạn này, GreenViet tiếp tục triển khai điều tra thực địa, thu mẫu thực vật về để tra cứu lập danh lục các loài thực vật có mặt trên Đảo. Dự kiến công việc định danh loài sẽ hoàn tất vào tháng 12 năm 2017.

Dự án điều tra thực vật có quy mô thực hiện trên toàn đảo hòn Lao, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

Song song với việc điều tra lập danh lục đa dạng loài thực vật bậc cao trên cạn là việc chọn ra 80 loài làm bộ mẫu tiêu bản thực vật mang các thông tin về giá trị kinh tế, bảo tồn, hay những cây làm cảnh, làm cây thuốc, và cây trồng bóng mát để BQL BTB CLC sử dụng vào mục đích giáo dục tại phòng trưng bày của đảo Hòn Lao. Chẳng bao lâu nữa, khách du lịch tới đảo sẽ không chỉ có cơ hội được đắm mình vào không gian thiên nhiên thơ mộng lí tưởng cho việc nghỉ dưỡng tại Cù Lao Chàm, mà có thể làm giàu thêm vốn kiến thức và kết nối một cách sâu sắc hơn tới nơi mình tham quan bằng việc tìm hiểu về những động thực vật của hòn đảo. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post