NÂNG CAO TIẾNG NÓI NGƯỜI DÂN TỘC BANA ĐỂ BẢO VỆ RỪNG ĐẦU NGUỒN
Trong 3 ngày 18/4-20/4 vừa qua, cán bộ dự án “Quản trị tài nguyên nước” gồm Trung tâm GreenViet và Pan Nature đã có buổi làm việc với người dân của ba làng người dân tộc Bana (Gia Lai) nằm nâng cao tiếng nói của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ rừng.
Ba làng này thuộc xã Dak Rong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai – thuộc khu vực hành lang đa dạng sinh học Kon Ka Kinh – Kon Cha Răng (HLĐDSH KKK-KCR), được lựa chọn để thử nghiệm mô hình Tổ lâm nghiệp cộng đồng tự quản. Đây là một trong những hoạt động của dự án Quản trị tài nguyên nước (PEMII), được tài trợ bởi Oxfarm, triển khai với mục đích tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc quản trị tài nguyên nước và đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên.

Tương tự như nhiều cộng đồng người dân sống kề cạnh rừng tại những vùng sâu vùng xa, cộng đồng dân tộc Bana ở khu HLĐDSH KKK-KCR còn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và lạc hậu trong kỹ thuật sản xuất, dẫn tới cuộc sống thiếu thốn và đói nghèo và vẫn dựa dẫm vào những hình thức sinh kế lâu đời có tác động lớn tới tài nguyên rừng. Những hành vi như săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ quý hiếm và các loại lâm sản ngoài gỗ, phá rừng làm nương rẫy đang diễn ra và nhiều mẫu thuẩn lợi ích giữa cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chủ rừng ngày càng phức tạp. Khó khăn về giao tiếp vì sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa đối với các cơ quan quản lý cũng như chưa nhận thức rõ về vai trò giá trị của tài nguyên rừng cũng như đa dạng sinh học, dẫn đến việc tiếng nói của cộng đồng chưa được ghi nhận và sự tham gia của cộng đồng còn rất yếu trong công tác quản trị tài nguyên rừng ở tây nguyên nói riêng cũng như cả nước nói chung. Vì vậy, việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý, tạo ra tổ LNCĐ nhằm đưa tiếng nói của cộng đồng đến với các cơ quan quản lý tài nguyên rừng của địa phương, và bảo vệ đa dạng sinh học rừng bằng cách nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hỗ trợ việc áp dụng mô hình sinh kế thay thế bền vững, không tạo tác động lên tài nguyên rừng là tối quan trọng để có thể bảo tồn rừng và quản trị nguồn nước bền vững.

Trong những buổi làm việc trước với người dân địa phương của ba làng nói trên, GreenViet cùng Pan Nature và các thành viên của làng đã cùng thành lập 3 tổ lâm nghiệp cộng đồng vào tháng 9/2017. Mô hình này kế thừa những thành công từ mô hình “Ban tự quản lâm nghiệp bảo vệ rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện trong năm 2016 – là 1 trong số 12 sáng kiến được vinh danh Mô hình Phát triển bền vững tiêu biểu năm tại “Sự kiện Gặp gỡ 2016 vì Hợp tác và Phát triển” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức. Với ba làng Kon Lanh Te, Kon Von 1, Kon Lốc 1, tổ lâm nghiệp cộng đồng có có vai trò như một đại diện cho người dân tham gia một cách chủ động, tích cực và đầy đủ vào các hoạt động quản lý và phát triển tài nguyên rừng ở địa phương đồng thời phát triển đời sống thông qua các gói tài trợ phát triển sinh kế của dự án. Mô hình tổ lâm nghiệp được các thành viên của làng nhất trí ủng hộ triển khai, cũng như nhận được sự đồng ý tham gia và hỗ trợ từ UBND xã Đăk Roong và các chủ rừng trong khu vực.

Các hoạt động nổi bật TLNCD đã triển khai trong quá khứ có thể kể đến đó là tập huấn phương pháp và kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng; tập huấn về đa dạng sinh học và giá trị của rừng; phối hợp tuần tra bảo vệ rừng giữa người dân và các đơn vị chủ rừng; tham quan các mô hình sinh kế thành công tại khu vực.
Làm việc cùng cộng đồng với phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD ), việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến, mong muốn của cộng đồng là kim chỉ nam trong việc tiếp cận và phục vụ cộng đồng của GreenViet. Trong buổi làm việc trước với TLNCD, hầu hết thành viên của 3 tổ đã bày tỏ mong muốn tiếng nói của mình, những thắc mắc và ý kiến liên quan tới vấn đề rừng, tới UBND xã và đơn vị chủ rừng. Vì vậy trong chuyến làm việc lần này từ ngày 18/4-20/4, GreenViet đã có một số hoạt động sau:
- Trao cho 3 tổ LNCD mỗi tổ 2 tấm bảng treo trong nhà rông.
- Tặng ảnh hoạt động của tổ cho các làng.
- Hướng dẫn cách nâng cao tiếng nói của tổ thông qua việc sử dụng bảng

Những tấm bảng, tưởng chừng có công dụng quá sức đơn giản là để ghi lại những ý kiến, lại có ý nghĩa tinh thần rất đỗi tinh tế với thành viên các tổ lâm nghiệp. Tên của các thành viên được viết trên bảng, treo tại vị trí trang trọng trong nhà rông đồng nghĩa với một niềm tự hào, một sự được-biết-đến trong mắt những bà con khác trong làng, hay trong mắt cán bộ chính quyền khi tới làng làm việc. Đây cũng chính là nguồn động lực khuyến khích các thành viên của tổ tích cực tham gia vào các hoạt động tiếp theo của dự án để đem lại thay đổi mới cho làng. Điều đặc biệtl là những bảng tin, hình ảnh, thông tin trên bảng đều là ý kiến đề xuất của các thành viên tổ LNCĐ sau khi kết thúc chương trình tập huấn bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức trong tháng 3/2018. Cán bộ dự án chỉ là người hỗ trợ và biến các đề xuất và ý tưởng hợp lý của cộng đồng thành những sản phẩm cụ thể – đáp ứng được mong đợi của cộng đồng.

Những hình ảnh hoạt động của tổ LNCD dán lên bảng làm sống động những cuộc tranh luận, trao đổi giữa các thành viên trong tổ, hay gợi trí tò mò – thích thú của những người đứng xem. Khi nhìn vào những bức ảnh, cũng là hướng con mắt về một xâu chuỗi về những điều các thành viên tổ đã trải qua, làm được và giúp họ suy nghĩ về những hoạt động tiếp theo khi tham gia tổ LNCD, dưới sự hướng dẫn của GreenViet.

Ngoài ra những ý kiến liên quan tới vấn đề rừng sẽ được GreenViet tiếp nhận và chuyển tiếp tới UBND xã và đơn vị chủ rừng. Điều này sẽ tạo sự truyền thông liền mạch, xuyên suốt và hiệu quả giữa các bên liên quan nhằm phục vụ mục đích chung đó là quản lý tài nguyện nước và đa dạng sinh học của khu vực.

Như cách anh Đinh Văn HLua, trưởng làng Kon Lanh Te và cũng là tổ trưởng tổ LNCD nói, “Trước có nghĩ gì chỉ để trong bụng. Không viết lại. Chỉ nói với nhau rồi quên. Giờ viết lên bảng. Nói với xã.” Khác với người Kinh, người Bana với nỗi canh cánh thường trực chủ yếu là cái ăn, coi bụng có ý nghĩa quan trọng bởi nó tượng trưng cho sự ấm no, sung túc của gia đình, làng bản. Vì vậy những thứ chân thật xuất phát từ tận đáy lòng, theo cách nói của người Bana, sẽ được lưu giữ trong bụng.
Theo anh Bùi Văn Tuấn, cán bộ điều phối các hoạt động hiện trường của dự án cho biết: “Hằng tháng, các thành viên trong tổ LNCĐ tự tổ chức các buổi sinh hoạt chung trong tổ với người dân trong thôn/ bản vào ngày họp thôn để ghi nhận các ý kiến và phản hồi nhu cầu, bức xúc của cộng đồng có liên quan đến rừng”. Dự án PEMII đã hỗ trợ sổ tay ghi chép nhật ký các buổi sinh hoạt cộng đồng cho thành viên tổ LNCĐ. Tuy nhiên, việc hạn chế chữ viết và ngôn ngữ, cũng như không có thói quen ghi chép và lưu trữ sổ sách nên những cuốn sổ tay mất dần hoặc để trống. Những tấm bảng tin sinh hoạt cộng đồng được tặng lần này là xuất phát từ nhu cầu và đề xuất của các thành viên tổ LNCĐ trong các buổi sinh hoạt trước.

Khi bảng được hoàn thiện và treo lên vị trí trang trọng trong nhà rông, ai nấy đều mừng rỡ khi thấy tên của mình và hình ảnh hoạt động của tổ được thể hiện rất dễ thấy. Trong khi những bức ảnh tiếp tục được truyền đi khắp phòng để ngắm nghía và bình luận, bên ngoài, người dân làng tò mò ngó vào qua cánh cửa hẹp. Những hình ảnh mới sẽ tiếp tục được GreenViet mang lên tặng cho các thành viên trong tổ như là một cách để động viên tinh thần tích cực tham gia vào hoạt động của tổ LNCD.

Anh Nguyễn Văn Chức, thành viên tổ đến từ làng Kon Von 1, rất ủng hộ với cách tiếp cận của dự án, đó là hỗ trợ đầu tư, áp dụng sinh kế thay thế để giúp phát triển kinh tế cho gia đình. Anh cho rằng người dân Bana tại đây mong muốn được nhìn thấy những mục đích ngắn hạn, sau khi tích cóp những mục đích ngắn hạn đó mới có thể bắt đầu nghĩ tới những mục đích dài hạn. Vì vậy, giúp cải thiện kinh tế của thành viên trong cách tổ sẽ là bước đi bền vững lâu dài để có cơ sở thay đổi hiện trạng khai thác tài nguyên rừng đang diễn ra tại khu vực.
GreenViet: Trong tất cả các buổi họp anh đã tham gia, anh nhớ nhất buổi họp nào?
N.V Chức: Tôi nhớ nhất buổi họp về mô hình sinh kế vì tôi học được rất nhiều
“Tôi tin rằng nếu mình làm tốt mô hình sinh kế [anh Chức chọn mô hình nuôi gà], bà con sẽ thấy có người thành công và bắt đầu học theo. Sẽ có nhiều người hơn tham gia vào tổ lâm nghiệp cộng đồng để được thành công như những người trước. Khi đó, việc phá rừng làm rẫy sẽ giảm bớt, không cần phải vất vả đi vào rừng để kiếm sống nữa”, anh Chức chia sẻ với cán bộ dự án.

Đây là bước lấy đà chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo của dự án đó là đưa một vài thành viên của ba tổ đi tham quan mô hình sinh kế đang được triển khai thành công tại tỉnh Hòa Bình, là cái nôi thành công thực hiện mô hình tổ lâm nghiệp cộng đồng. Sau đó, dự án sẽ hỗ trợ kinh phí cho các thành viên của tổ áp dụng mô hình sinh kế mới thay thế cho việc đi khai thác tài nguyên rừng hay phá rừng làm nương, rẫy.