HÀNH TRÌNH ĐƯA VỌOC VỀ VỚI RỪNG

Dự án “Tái hòa nhập loài Vọoc hà tĩnh về tự nhiên tại Khu BTTN Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh” đã bước qua giai đoạn 2, năm 2016. Sau những thành công bước đầu, khi sự thích nghi của các cá thể Vọoc thể hiện rất tốt về mặt môi trường sống, thức ăn, phân bố,…

Ông Tilo Nadler, cán bộ BQL Khu bảo tồn Kẻ Gỗ cùng với Trung tâm GreenViet tái thả động vật về rừng vào ngày 09/12/2016

Những cá thể Vọoc tái thả ở Kẻ Gỗ được chuyển vào từ Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương, Ninh Bình. Qua một quãng đường dài gần 300km di chuyển bằng xe ô tô, những chú Vọoc may mắn được đặt chân tới bờ hồ Kẻ Gỗ. Sau khi được nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ lấy lại sức, Vọoc tiếp tục được di chuyển bằng thuyền khoảng 8km để đến được bìa rừng, nơi con suối réo rắt đổ ra và những anh em của nó đang ngóng chờ ở khu rừng đầu nguồn. Bao nhiêu sự háo hức thể hiện qua ánh mắt rạo rực của nó khi nhìn thấy xung quanh là cây cối xanh tốt, hoang sơ, nó như muốn phá tung thùng gỗ để phóng ra ngoài thật nhanh.

Di chuyển Vọoc bằng thuyền máy trên hồ Kẻ Gỗ

Tuy nhiên, hành trình này chưa dừng lại ở đó. Còn một quãng đường dài và đầy khó khăn nữa để chúng có thể gặp gỡ đồng loại, phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ lội suối băng rừng nữa chúng tôi mới “cõng” được Vọoc vào khu vực cư trú của những cá thể đã tái thả trước đó. Đây là quãng đường gian nan nhất vì rừng ở Kẻ Gỗ rậm rạp rất khó di chuyển, chúng tôi thường phải men theo các con suối chảy xiết, băng qua những mỏm đá lởm chởm mới tới nơi được.

Gánh Vọoc lội theo suối nước chảy xiết

Khi đã lên đến ngọn con suối, phía trước mặt chúng tôi là ngọn núi cao với dốc dựng đứng. Trên lưng chừng ngọn núi là nơi những con Vọoc tái thả đợt trước đang sinh sống. Nghỉ ngơi giây lát cho bớt mồ hôi và đôi chân đỡ run vì mỏi, chúng tôi tiếp tục gánh Vọoc leo lên núi. Dường như cũng cảm nhận được nỗi vất vả của chúng tôi nên chú Vọoc lúc này nằm im trong thùng gỗ, không quậy phá như lúc mới đến bìa rừng.

Gánh động vật leo lên điểm tái thả ở lưng chừng núi

Sau khoảng 40 phút leo lên sườn núi, chúng tôi đến được điểm sẽ tái thả động vật. Bao nhiêu mệt nhọc như tan biến, nhường chỗ cho sự háo hức được chứng kiến giây phút chú Vọoc lao ra khỏi thùng gỗ để nhảy nhót tự do cùng đồng loại. Khi nắp thùng gỗ từ từ được mở ra, gần như ngay lập tức chú Vọoc lao ra ngoài rồi thoăn thoắt trèo lên cành cao ngồi.

Mở thùng gỗ thả động vật

Sau một hồi ngó ngang cảnh vật lạ lẫm xung quanh và nhìn xuống chúng tôi như nói lời cảm ơn, chú Vọoc chuyền cành nhảy về hướng đồng loại của nó ở đâu đó nơi lùm cây phía trước đang phảng phất mùi khen khét trong gió chiều.

Vọoc hà tĩnh – Trachypithecus hatinhensis

Nguồn: Hoàng Quốc Huy/GreenViet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post