GreenViet đồng hành cùng Quảng Nam trong công tác bảo tồn loài Chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây
Với sự đồng hành và hỗ trợ của UBND Tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan ban ngành, các tổ chức phi chính phủ, GreenViet đã triển khai chương trình bảo tồn loài Chà vá chân xám lâu dài tại Tam Mỹ Tây (Núi Thành, Quảng Nam) với các hoạt động nghiên cứu, xây dựng Đề án, vận động chính sách,… và bước đầu đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Chà vá chân xám (CVCX) là loài thú linh trưởng chỉ phân bố ngoài tự nhiên ở 06 tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên. Đây là loài cực kỳ nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN, Sách Đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Hiện trên toàn quốc chỉ còn khoảng 1.500 – 2.000 cá thể Chà vá chân xám.

Ở Quảng Nam, loài phân bố tại các huyện phía Trung và Nam như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn. Riêng quần thể CVCX ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành là một quần thể đặc biệt bởi 68 cá thể bị cô lập trong 30ha rừng tự nhiên nghèo, bao bởi xung quanh là rẫy keo và khu dân cư, cách rừng tự nhiên gần nhất lên tới 2,5km đường chim bay. Bên cạnh đó, các gia đình CVCX còn bị chia cắt thành 04 nhóm nhỏ tại Hòn Dồ, Dương Bông, Hòn Ông và Dương Bản lầu. Một số gia đình chỉ có khoảng 03ha rừng để làm nhà cho 16 thành viên sinh sống. Nhưng điểm sáng tích cực ở đây là cộng đồng đã tự nguyện bảo vệ loài hơn cả chục năm qua, và tinh thần này ngày càng lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng. Lý do là bởi người dân ở đây đang mang trong mình niềm tự hào khi biết quê hương có quần thể loài thú linh trưởng nguy cấp ngoài tự nhiên dể nhìn thấy nhất trên hành tinh và chúng vô cùng xinh đẹp, hiền lành như đứa con ngoan.

Một quần thể có kích thưởng nhỏ, sống trong sinh cảnh quá bé và bị cô lập sẽ không được ưu tiên bảo tồn bằng các quần thể cùng loài trong các hệ sinh thái rộng hơn vài chục, thậm chí vài trăm lần. Tuy nhiên vào năm 2017, từ những ngày đầu khảo sát ghi nhận được 20 cá thể CVCX tại đây, GreenViet đã chọn phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực cộng đồng để bảo tồn quần thể. Vì vậy đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền từ tỉnh đến xã, của ngành lâm nghiệp và cộng đồng dân cư vùng đệm. Với cách tiếp cận này, GreenViet đã kết nối nguồn lực và phát huy tối đa sự tham gia của các bên liên quan vào nổ lực bảo tồn chung. Năm 2018, đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trực tiếp đến hiện trường nắm thông tin, chỉ đạo triển khai các hoạt động bảo tồn trước mắt và lâu dài. Từ mốc quan trọng này, GreenViet đã hỗ trợ Sở NN&PTNT xây dựng Đề án bảo tồn loài CVCX đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tăng cường pháp lý, định hướng cho triển khai các hoạt động bảo tồn loài một cách hiệu quả và bền vững nhất. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là mở rộng sinh cảnh sống của loài lên 60ha, kết hợp hình thành rừng cộng đồng để tạo tối thiểu 150ha cho khoảng 150 cá thể CVCX sinh sống. Định hướng đến năm 2050 hình thành được hành lang kết nối quần thể CVCX này với các quần thể khác trong RPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam.

Song song xây dựng Đề án, năm 2019 GreenViet hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng Phương án chuyển loại rừng sản xuất sang rừng đặc dụng khu bảo tồn loài – sinh cảnh chà vá chân xám Tam Mỹ Tây, Tỉnh Quảng Nam để loài được quản lý bảo vệ tốt hơn trong hệ thống pháp luật liên quan ngành lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Bộ NN&PTNT đồng ý cho thành lập mới Rừng đặc dụng Tam Mỹ Tây với diện tích 60ha trong thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030. Một khi khu rừng sản xuất 60ha ở Tam Mỹ Tây được vào hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam thì các nguồn lực và cơ hội bảo tồn loài sẽ tốt hơn rất nhiều so với hiện nay.

Bên cạnh các hoạt động vận động chính sách có lợi cho bảo tồn quần thể CVCX, GreenViet đã có cơ sở dữ liệu đầy đủ về đa dạng sinh học của 30ha rừng tự nhiên thông qua điều tra, khảo sát, giám sát đa dạng sinh học trong giai đoạn 2018 – 2020. Điều thú vị là nơi đây tuy diện tích nhỏ nhưng có tính đa dạng sinh học cao gồm: 176 loài động vật bậc cao, trong đó có17 loài thú, 46 loài chim, 21 loài Lưỡng cư – Bò sát, 92 loài Côn trùng. Có 09 loài quý, hiếm như Chà vá chân xám, Cu li nhỏ, Cầy vòi hương, Trăn gấm. Hệ thực vật có 147 loài, trong đó có 06 loài quý, hiếm như: Lan gấm, Sung đá, Gụ lau.

Ngoài ra, GreenViet luôn duy trì tổ chức các hoạt động truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức cho hơn 1,000 người dân địa phương; tổ chức tham vấn cộng đồng, đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Từ năm 2018 đến nay, GreenViet hỗ trợ Nhóm tình nguyện bảo vệ Voọc (Nhóm tuần tra thôn bản Tam Mỹ Tây) duy trì hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và CVCX. Sự hỗ trợ kịp thời của GreenViet không chỉ về kỹ thuật và tài chính mà còn tạo thêm niềm tin, truyền cảm hứng, lan tỏa đam mê và tình yêu thiên nhiên cho những người tình nguyện ở địa phương tham gia vào công tác bảo tồn. GreenViet còn tạo cơ hội cho Hội Nông dân, Phụ Nữ, Đoàn thanh niên, Trường học chủ động tổ chức các hoạt động bảo vệ loài và bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương như vận động các hộ dân không khai thác keo giáp rừng tự nhiên, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về CVCX cho học sinh Trường THCS Lê Văn Tâm.

Tất nhiên để duy trì Chương trình bảo tồn loài, trong thời gian qua GreenViet đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà tài trợ như tổ chức WWF, Dự án Trường Sơn Xanh, Quỹ Rainforest Trust… Bên cạnh đó là sự hỗ trợ và tạo điều kiện của UBND tỉnh, các sở ban ngành như NN&PTNT, Sở Ngoại vụ, UBND huyện. Đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ của Chi cục Kiểm Lâm Quảng Nam, UBND xã và chính quyền các thôn trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động. Gần đây nhất vào đầu tháng 8/2021, PCT UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cùng các ban ngành liên quan cũng một lần nữa đến hiện trường khu vực CVCX đang sinh sống cho thấy quyết tâm của tỉnh đối với công tác bảo tồn loài linh trưởng này.
Những thành công trên chỉ là mở đầu cho một Chương trình bảo tồn CVCX lâu dài tại Tam Mỹ Tây. Công tác bảo tồn loài ở đây mặc dù đang đối diện với nhiều thách thức nhưng đó chỉ là các trở ngại về kỹ thuật. Sự quyết tâm của chính quyền, sự ủng hộ của nhà tài trợ, cam kết của các đối tác và sự đồng thuận của cộng đồng đã, đang và sẽ mở ra cơ hội mới cho bảo tồn và phát triển bền vững quần thể CVCX tại đây. Ngay trong tháng 8, Quỹ Đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) thông qua Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã tài trợ cho GreenViet một dự án mới để Bảo vệ quần thể Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây thông qua hỗ trợ những người tiên phong trong cộng đồng thực hiện các hoạt động bảo tồn kể từ tháng 9/2021 – 8/2023.
Với sứ mệnh Bảo tồn hệ sinh thái và các loài động thực vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam thông qua nghiên cứu khoa học, hoạt động bảo tồn, giáo dục, truyền thông, vận động chính sách và truyền cảm hứng bảo tồn cho cộng đồng. GreenViet mong muốn cộng đồng người Việt chủ động tham gia bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam. Để góp phần thực hiện sứ mệnh đó. GreenViet và cộng đồng đang nỗ lực tiến đến tạo hành lang kết nối quần thể CVCX tại Tam Mỹ Tây với các quần thể ở RPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam; Thành lập trung tâm giáo dục thiên nhiên, Trung tâm nghiên cứu khoa học và thực nghiệm; Mở rộng sinh cảnh sống cho CVCX; Phát triển du lịch sinh thái nhằm vừa bảo tồn vừa góp phần phát triển sinh kế bền vững cho địa phương. Hy vọng những mô hình bảo tồn loài nguy cấp dựa vào cộng đồng như ở Tam Mỹ Tây sẽ được nhân rộng hơn trong cả nước nhằm bảo tồn được nhiều loài hơn, bởi đâu đó cũng có những ngôi nhà của các loài động thực vật hoang dã bị thu hẹp đến mức không đủ không gian sinh tồn.
