CHƯƠNG TRÌNH TÁI HÒA NHẬP VOỌC HÀ TĨNH VỀ TỰ NHIÊN TẠI KHU BTTN KẺ GỖ
Nhóm cá thể Vọoc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis) được thả về tự nhiên bao gồm một cá thể đực, hai cá thể cái trưởng thành và 02 cá thể nhỡ.
Từ tháng 4 năm 2015, sau nhiều đợt tập huấn và tiến hành khảo sát về điều kiện tự nhiên và sự phân bố của các loài linh trưởng tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh, chương trình tái hòa nhập Vọoc Hà Tĩnh đã chính thức được khởi động dưới sự phối hợp của ba đơn vị là Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương (EPRC), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ.

Các cá thể Vọoc được gắn chip theo dõi trên cổ. Trung tâm GreenViet chịu trách nhiệm nghiên cứu kỹ thuật sử dụng và cài đặt các thông số cho hệ thống thiết bị theo dõi động vật, máy dò tín hiệu bằng sóng radio tần số ngắn và máy thu dữ liệu GPS để thu thập và tính toán dữ liệu di chuyển và vận động của động vật.

Một lán hiện trường được lập nên gần khu vực thả động vật. Đội giám sát hiện trường thường trực ở lán được thành lập bao gồm hai cán bộ của Trung tâm GreenViet và Ban Quản lý KBTTN Kẻ Gỗ làm việc tất cả các ngày trong tháng. Hàng ngày nhóm giám sát tiến hành thu dữ liệu định vị và kiểm tra tình hình hoạt động của động vật, đồng thời kiểm tra các tác động nếu có của người dân địa phương trong khu vực tái thả.

Các số liệu thống kê ban đầu cho thấy, mỗi ngày, trung bình các cá thể Voọc chỉ di chuyển khoảng 300m đến 500m. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của các đàn khỉ vàng làm cho các cá thể Voọc tái thả hoảng sợ dẫn đến di chuyển gần 800 mét đến một kilomet mỗi ngày.

Qua những đánh giá ban đầu từ các quan sát thực tế, việc trở lại hòa nhập với tự nhiên của động vật sau khi được nuôi nhốt thời gian dài gặp rất nhiều trở ngại và thách thức. Động vật phải chuyển từ việc được cung cấp thức ăn sẵn sang tự tìm kiếm loại thức ăn phù hợp, tìm kiếm nguồn nước uống, học cách tự bảo vệ trong tự nhiên khi gặp kẻ thù như các loài chim ăn thịt lớn, mèo rừng, khỉ vàng và đặc biệt là rắn độc… Do vậy, ít nhất sau một năm mới có thể đánh giá được kết quả thành công của dự án.
Hiện nay, chương trình giám sát tái hòa nhập Voọc Hà Tĩnh về tự nhiên tại KBTTN Kẻ Gỗ do Trung tâm GreenViet và BQL khu BTTN Kẻ Gỗ phụ trách đang được tiếp tục với mật độ túc trực hàng ngày của các cán bộ nhằm đảm bảo tốt công tác theo dõi tình trạng động vật và có những thông báo kịp thời để xử lý cũng như có số liệu đầy đủ cho công tác nghiên cứu khoa học. Các số liệu khoa học của dự án sẽ là nguồn tài nguyên quý giá và rất hữu ích cho các chương trình, dự án tái hòa nhập các loài động vật khác về tự nhiên.