CÔNG BỐ LOÀI GỪNG TÍM MỚI PHÁT HIỆN Ở SƠN TRÀ
Đây là một trong các kết quả nghiên cứu thuộc dự án “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng” do Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) chủ trì.
Sơn Trà từng được nhận định là nơi ‘hành hương’ cho các nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” tháng 7 năm 2017, nơi còn chứa đựng rất nhiều tài nguyên về đa dạng sinh học mà chưa được điều tra hay khám phá một cách cặn kẽ. Bài báo mới đây được đăng trên tạp chí khoa học Phytotaxa số 367 đã công bố ba loài gừng tím mới được phát hiện có ở bán đảo Sơn Trà, góp phần khẳng định thêm giá trị lớn lao về đa dạng sinh học của Sơn Trà.
Trong nghiên cứu này của các tác giả Trần Hữu Đăng (SIE) (tác giả chính), Lưu Hồng Trường (SIE), Trần Ngọc Toàn (GreenViet), Nguyễn Thành Trung (VQG Núi Chúa), Nguyễn Quốc Bình (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam) và & Jana Leong-Škorničková (Singapore Botanic Gardens), ba loài Newmania mới, N. cristata, N. gracilis và N. sontraensis, được mô tả cụ thể, có các báo cáo về đặc điểm sinh thái học, hình thái học, phân bố, đánh giá tình trạng trên IUCN, đưa số loài trong chi Newmania đặc hữu ở Việt Nam này lên sáu loài. Trong đó loài Newmania sontraensis được ghi nhận và thu thập đầy đủ mẫu vật ở Sơn Trà.
Chi Newmania là một nhóm gừng nhỏ được mô tả gần đây, có phân bố ở miền trung Việt Nam. Chi này ban đầu được mô tả hai loài, N. orthostachys và N. serpens ở Quảng Ngãi, và loài thứ ba, Newmania sessilanthera được mô tả một vài năm sau đó ở Phú Yên.
Newmania khác với các chi khác trong họ gừng riềng (Zingiberaceae) với những bông hoa rất đặc biệt mọc từ dưới gốc. Công cuộc tìm kiếm loài này cũng rất gian nan và tốn nhiều công sức của các nhà khoa học trong một thời gian dài. Đặc biệt thách thức là các loài này có thời gian ra hoa rất ngắn và chỉ phân bố rất hiếm hoi trong các khu rừng nguyên sinh xa xôi trắc trở. Nên cũng không ngạc nhiên khi thấy rằng trước nay có rất ít bộ sưu tập, thông tin và hình ảnh về họ gừng riềng. Chính vì vậy, các loài thuộc chi Newmania trước giờ có xu hướng bị xác nhận nhầm là Amomum hoặc Zingiber. Bức ảnh đầu tiên về loài N. cristata được cung cấp từ ông Nguyễn Vũ Khôi năm 2013 đã đưa ra các đặc điểm nổi bật và khác biệt của loài Newmania. Cho đến năm 2017, nhóm tác giả mới có thể thu thập được mẫu vật có ra hoa và xác nhận loài mới Newmania sontraensis tại Sơn Trà.
Theo anh Trần Ngọc Toàn, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm GreenViet, và đồng tác giả bài báo trên cho biết, “Sự phát hiện loài mới này thể hiện sự đa dạng hệ thực vật của Sơn Trà, đóng góp dữ liệu cho khoa học của cả Việt Nam và cho thế giới. Họ gừng riềng có giá trị lớn về dược liệu. Newmania được coi là một chi mới của họ gừng riềng. Chi Newmania của họ gừng riềng còn nhiều loài nữa của Việt Nam đang được các nhà khoa học đưa ra ánh sáng”.
Dự án “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng” do Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) chủ trì, được thực hiện 3 năm nay tại Sơn Trà, đã góp phần lớn khi cập nhật số loài thực vật ghi nhận được ở Sơn Trà là 1,010 loài thực vật thuộc 146 họ thực vật, thay cho số liệu 985 loài thực vật ghi nhận trước đây.
Anh Toàn cho biết thêm, “Kết quả này thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học trong các hoạt động nghiên cứu và điều tra đa dạng sinh học. Chương trình nghiên cứu phủ khắp Sơn Trà nhằm tìm ra các thiếu sót mà các nghiên cứu trước chưa chỉ ra được, nhằm đánh giá một cách trung thực và khách quan nhất đối với đa dạng sinh học ở Sơn Trà, và từ đó có một cái nhìn đầy đủ hơn về hoạt động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học ở Sơn Trà”.
Nhiều phương án bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học tại Sơn Trà đã được các nhà khoa học liên tục lên tiếng đề xuất. Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” năm ngoái, Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cũng đã đề xuất các giải pháp như xây dựng và bảo vệ hành lang kết nối Đông – Tây để thực hiện chương trình giám sát loài chà vá chân nâu; nâng cao hiệu của của hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan có kiểm soát; giảm xây dựng trên bán đảo, đặc biệt giữ môi trường sống quan trọng nhất là ở khu vực phía bắc bán đảo Sơn Trà.
Bản PDF của bài báo: Tải tại đây
Hai bài báo khoa học khác có liên quan có thể tham khảo ở đây:
Bài 1: 1-Siliquamomum phamhoangii, a new species of Zingiberaceae from the Central Highlands, Vietnam
Bài 2: 2 – Alocasia rivularis paper