TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC SỬ DỤNG THIẾT BỊ THỰC ĐỊA GIÁM SÁT ĐA DẠNG SINH HỌC

Chương trình tập huấn với sự tham gia của 14 thành viên gồm 8 cán bộ BQLRĐD Bà Nà-Núi Chúa thuộc các trạm bảo vệ rừng như Sông Nam, Sông Bắc, Phú Túc, Cà Nhông, An Lợi, phòng khoa học kỹ thuật và 8 sinh viên khoa Sinh–Môi Trường, ĐH Sư phạm-Đà Nẵng.

Chương trình tập huấn diễn ra trong 01 ngày gồm cả nội dung lý thuyết và thực hành ngoài rừng. Tất cả các thành viên tham gia rất nhiệt tình, trao đổi sôi nổi và thực hành tốt tất cả các nội dung lý thuyết đã học và hoàn toàn vận hành được thiết bị bẫy ảnh (Camera Trap) mới nhằm chuẩn bị cho giai đoạn triển khai thu thập dữ liệu ngoài thực địa sắp tới.

Tấp huấn nâng cao năng lực cho cán bộ BQL RĐD Bà Nà – Núi Chúa và sinh viên Khoa Sinh – Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Với mục tiêu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng (BQL RĐD) Bà Nà – Núi Chúa trong việc sử dụng các thiết bị thực địa trong công tác tuần tra, giám sát đa dạng sinh học, sử dụng thiết bị bẫy ảnh (Camera Trap) trong khảo sát động vật cũng như hỗ trợ sinh viên Khoa Sinh – Môi Trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng tiếp cận và tìm hiểu về công tác lâm nghiệp và ứng dụng Camera Trap trong nghiên cứu khoa học. Ngày 26/5/2016, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp với BQL RĐD Bà Nà – Núi Chúa tổ chức tập huấn “Sử dụng các thiết bị thực địa trong công tác tuần tra, giám sát đa dạng sinh học” tại Hội trường của BQL RĐD Bà Nà – Núi Chúa. Đây là một trong các hoạt động hợp tác giữa trung tâm GreenViet và BQLRĐD Bà Nà – Núi Chúa trong năm 2016.

Nội dung chương trình tập huấn gồm có 3 phần chính:

1. Hướng dẫn sử dụng thiết bị định vị GPS để thu thập số liệu phục vụ công tác tuần tra giám sát bảo vệ rừng. Các ứng dụng của GPS được ứng dụng gồm xác định tọa độ tại 1 điểm, đánh dấu đường đi tuần tra, đo chiều dài tuyến khảo sát, đo diện tích một vùng và tìm hướng đi trong rừng đến một vị trí đã được xác định trước.

Cán bộ trung tâm GreenViet hướng dẫn sử dụng thiết bị GPS cầm tay ngoài thực địa

2. Giới thiệu về thiết bị Bẫy ảnh (Camera Trap), ứng dụng và một số dự án đang triển khai ở các khu bảo tồn, Vườn quốc gia ở Việt Nam. Giới thiệu một số loài động vật quý hiếm đã được ghi nhận bởi Camera Trap ở Việt Nam.

Giới thiệu về thiết bị bẫy ảnh (Camera Trap) và các thông số kỹ thuật

3. Thực hành cài đặt các thông số và thiết bị ngoài thực địa để chuẩn bị cho việc triển khai dự án trong thời gian tiếp theo của chương trình hợp tác.

Thực hành cài đặt camera trap ngoài thực địa

Bà Nà – Núi Chúa là một trong hai khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) của thành phố Đà Nẵng, nằm ở phía Tây TP với hệ động thực vật mang tính giao lưu giữa hai miền Bắc – Nam trải từ chân lên tới đỉnh núi, trong đó có quần thể Hồng Điệp và quần thể Đào Chuông được coi là biểu tượng bảo tồn của KBTTN này. Góp phần bảo vệ nguồn đa dạng sinh học này, Trung tâm GreenViet tập huấn hướng dẫn các kĩ năng sử dụng các thiết bị ngoài thực địa cho các cán bộ BQL và sinh viên nhằm phục vụ tốt cho công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học. Sau khi kết thúc tập huấn, tất cả các thành viên tham gia đều sử dụng được các chức năng nâng cao của định vị GPS, máy Camera trap và rất hào hứng với các nội dung đã được học. Các sinh viên của Khoa Sinh – Môi trường sẽ tiếp tục tham gia vào các nhóm điều tra, khảo sát đa dạng sinh học gồm nhóm Thú lớn, thú ăn thịt nhỏ, Linh trưởng và các loài thuộc bộ Gà khi chương trình hợp tác nghiên cứu triển khai ngoài thực địa tại Bà Nà – Núi Chúa. 

Chụp hình lưu niệm trước khi kết thúc chương trình tập huấn.

Nguồn: Bùi Văn Tuấn/GreenViet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post