MÒN GÓT THEO CHÂN NHÀ NGHIÊN CỨU CỦA GREENVIET KHÁM PHÁ RỪNG BÀ NÀ

Cheo leo và trắc trở đủ khiến những người đi rừng kì cựu phải e dè, nhưng rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa lại chứa đựng nhiều bí ẩn và giá trị về đa dạng sinh học khiến nhóm nghiên cứu của GreenViet không ngần ngại dấn thân vào để tìm hiểu và để bảo tồn.

Công việc nghiên cứu thực địa, chẳng phải bàn cãi, sẽ khiến hầu hết những người bình thường lắc đầu, lè lưỡi ngán ngẩm, bởi sự vất vả và những nguy hiểm nơi rừng sâu nước độc không ai dự đoán hết được. Tuy nhiên, với một nhà nghiên cứu thực địa như anh Hoàng Quốc Huy, chuyên gia Bò sát – Lưỡng cư của GreenViet, việc phải “nằm vùng” ở những “mặt trận” rậm rạp nhất, hiểm trở nhất lại xảy ra thường xuyên hơn thời gian anh được ở bên gia đình. Vào một ngày oi bức và nắng nóng cuối tháng 12 năm 2016, công việc thực địa nơi rừng hoang vu lại gọi tên Huy lên đường.

Mặc dù chuyên môn là về lưỡng cư - bò sát, bất kì khi nào được phân nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu khác, Huy đều sẵn sàng vác balo và đi
Mặc dù chuyên môn là về lưỡng cư – bò sát, bất kì khi nào được phân nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu khác, Huy đều sẵn sàng vác balo và đi

Được giao nhiệm vụ kiểm tra và thay thế những chiếc bẫy ảnh đã được lắp đặt bởi GreenViet từ giữa năm 2016 trên rừng Bà Nà – Núi Chúa, một thiết bị tự động chụp ảnh khi phát hiện cử động hay tiếng động, Huy sẽ phải leo độ cao từ 20 m dưới chân núi lên những đỉnh đồi cao hơn 1.100 mét và quay trở lại nội trong hai ngày. Dù đã quen thuộc với những chuyến băng rừng lội suối, Huy cho rằng chuyến đi lần này sẽ khó khăn bởi những chiếc máy quý như vàng anh đeo trong balo lưng. Quý như vàng là bởi, đây là những chiếc bẫy ảnh đã chụp đầy những bức ảnh quý giá về động vật hoang dã ở nơi sâu thẳm nhất của rừng Bà Nà – Núi Chúa sau nhiều tháng nằm yên trong rừng.

Một đàn khỉ mặt đỏ đang ngắm nghía chiếc máy kì lạ trong rừng. Ảnh chụp từ bẫy ảnh tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Một đàn khỉ mặt đỏ đang ngắm nghía chiếc máy kì lạ trong rừng. Ảnh chụp từ bẫy ảnh tại rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa.

Mỗi chiếc bẫy ảnh mang 1 cái thẻ nhớ chứa vài ngàn bức ảnh sau nhiều tháng hoạt động yên ắng ở trong rừng để ghi nhận những loài động vật di chuyển qua phía trước ống ngắm. Những bức ảnh quý giá này là cơ sở khoa học thực tiễn để xác định được đầy đủ các loài động vật có phân bố trong khu vực nghiên cứu. Với cách vận hành như vậy, bẫy ảnh luôn đem lại những điều bất ngờ cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, khi liên tục điểm tên các loài quý, hiếm, rất khó bắt gặp ngoài tự nhiên với các phương pháp điều tra thông thường (đi bộ theo tuyến và quan sát trực tiếp). Vì vậy, một cú trượt chân trên đường về cũng có thể đánh vỡ những chiếc máy đắt tiền chứa đựng thông tin quan trọng mà tiền cũng chẳng thể mua lại được.

Ảnh chụp một góc rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Từ đây có thể thấy được ngọn núi mà Huy sẽ phải leo lên để thu bẫy ảnh.

Sau vài phút chuẩn bị dụng cụ nấu ăn và thức ăn, đoàn chúng tôi khởi hành từ 8 rưỡi sáng dưới sự hỗ trợ dẫn đường của nhân viên bảo vệ rừng. Thoăn thoắt những bước chân, chúng tôi băng những con suối chảy róc rách, leo những con dốc đầy bùn và đá trơn trượt trong tiếng cây cỏ rào rạc và tiếng chim xa xăm nhiều tiếng đồng hồ để đến kịp vị trí hạ trại trước khi trời tối.

Thử thách là phải đưa những bước chân thận trọng trên những phiến đá đầy rong rêu trong khi phải vác hơn 15kg hành lí sau lưng
Thử thách là phải đưa những bước chân thận trọng trên những phiến đá đầy rong rêu trong khi phải vác hơn 15kg hành lí sau lưng.

Chiếc balo nặng trĩu tư trang và thức ăn khiến mỗi người phải hơi oằn lưng xuống nhưng chẳng thể làm tinh thần anh em mệt mỏi hay ý chí chùn bước. Những tiếng cười nói cảm tưởng như là duy nhất trong khu rừng không ngừng vang lên tiếp thêm động lực cho hành trình băng rừng của chúng tôi qua từng con dốc một.

Thành thạo sử dụng máy GPS giúp Huy không bị đi trệch khỏi lộ trình và bị lạc trong rừng
Thành thạo sử dụng máy GPS giúp Huy không bị đi trệch khỏi lộ trình và bị lạc trong rừng

Vắt đất, một loài động vật hút máu là đặc sản của các khu rừng mưa nhiệt đới ẩm của Việt Nam, và các đỉnh núi cao âm u của núi rừng Bà Nà trở thành nơi tụ tập của hàng chục con Vắt trên từng bước đi. Giữa những lần nghỉ chân lấy lại hơi thở và thư giãn gân cốt sẽ có một cuộc chạy đua giữa những con vắt ẩn mình mai phục dưới đất lên giày, ống quần chúng tôi. Chúng lần theo tiếng động và mùi cơ thể để thi xem ai có được bữa ăn béo bở đầu tiên. “Làm chi nghiêm trọng rứa, đãi chúng nó ăn một bữa máu người đi!”, Huy vừa cười nói vừa bình thản gạt những con vắt đang ngoe nguẩy trên giày anh xuống.

Vắt –  và hình ảnh máu chảy ròng liên tục, là nỗi sợ nhiều khi ám ảnh vào giấc ngủ của các thành viên trong đoàn. Học theo nhiều người địa phương chỉ dẫn, chúng tôi thi thoảng dùng muối, dầu nóng, hoặc nước mắm, để tạo mùi dưới chân, cho đôi giày để xua đuổi Vắt đi. Nhưng đã đi nghiên cứu thực địa là đã chấp nhận kí một bản hợp đồng với rừng xanh cùng điều khoản bất di bất dịch phải hiến một lượng máu cho vắt rừng. Nếu ai quay trở về từ rừng lành lặn không có một vết cắn nào của vắt thì chắc chắn chưa đi sâu vào rừng.

Để ngăn vắt leo lên giày và chui vào người hút máu, Huy tưới một ít nước mắm lên giày để trị vắt bằng muối.
Để ngăn vắt leo lên giày và chui vào người hút máu, Huy tưới một ít nước mắm lên giày để trị vắt bằng muối

Trước khi đêm xuống, chúng tôi đã kịp tìm tới vị trí để “đóng quân” qua đêm bên cạnh một con suối, một địa điểm tuyệt vời thuận tiện cho việc tắm giặt, ăn uống và nghỉ ngơi. Mỗi người đều bận rộn tay chân với một công việc riêng, chẳng mấy chốc mà lán đã được dựng xong, mùi thức ăn thơm phức giữa rừng ngấm đẫm vào cây cỏ xung quanh. Xếp chân trên đá giữa suối, ngồi ăn bên cạnh những đĩa thức ăn giản dị mà tưởng như được ăn cao lương mỹ vị nơi nào, Huy mới có dịp giải thích rõ hơn dự án mà anh và GreenViet đang thực hiện.

Sau nhiều giờ cuốc bộ, nhìn Huy chuẩn bị thức ăn cho bữa cơm giữa rừng khiến bụng ai cũng đói reo
Sau nhiều giờ cuốc bộ, nhìn Huy chuẩn bị thức ăn cho bữa cơm giữa rừng khiến bụng ai cũng đói reo

Đây là lần đầu tiên trung tâm GreenViet tiếp cận với hướng nghiên cứu sử dụng công nghệ bẫy ảnh. Chương trình khởi động với hệ thống 20 máy bẫy ảnh đặt tại khu vực rừng Sông Nam – Sông Bắc thuộc BQL RDD Bà Nà –  Núi Chúa bắt đầu từ tháng 5.2016. Các chương trình tập huấn về sử dụng và vận hành thiết bị này đã được triển khai trước đó. Với hệ sinh thái gắn liền với dãy Trường Sơn, Bà Na –  Núi Chúa được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao và rất độc đáo. Đó là lý do mà trung tâm GreenViet đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình nghiên cứu của mình, vừa phục vụ cho công tác bảo tồn, vừa tạo cơ sở dữ liệu đầy đủ cho khoa học và chiến lược bảo tồn.

Voọc chà vá chân nâu là một trong những loài thú nguy cấp chọn rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa làm nhà.
Voọc chà vá chân nâu là một trong những loài thú nguy cấp chọn rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa làm nhà

Trong suốt một năm qua, những chiếc bẫy ảnh của GreenViet đã thu được Hơn 13,000 bức ảnh động vật hoang dã. Vì vậy, Huy rất mong ngóng tới ngày hôm sau khi anh sẽ được đem những chiếc máy này về văn phòng để mổ xẻ những hình ảnh về động vật hoang dã chụp được.

Dưới mái lán thô sơ, Huy nghiên cứu kĩ càng lộ trình băng rừng ngày 	hôm sau bằng thiết bị GPS trước khi có thể an tâm đi ngủ
Dưới mái lán thô sơ, Huy nghiên cứu kĩ càng lộ trình băng rừng ngày hôm sau bằng thiết bị GPS trước khi có thể an tâm đi ngủ

Mặt trời ló rạng qua những tán lá vào sáng sớm hôm sau đánh dấu phần khó khăn hơn trong hành trình kiểm tra bẫy ảnh đã bắt đầu. Huy và đoàn nghiên cứu tiếp tục đi sâu hơn và cao hơn lên những ngọn núi để tìm đến địa điểm của những chiếc bẫy ảnh đã được lưu sẵn trong máy GPS.

Với một người không có kinh nghiệm đi rừng như người viết, việc cố gắng nhớ đường đi và tìm về đúng nơi đóng trại của nhóm đã là một chuyện vô cùng khó khăn. Trong khi đó, Huy phải đi tìm từng chiếc máy bẫy ảnh nằm yên vị trên những thân cây rải rác khắp cả khu rừng rộng lớn. Nếu không có chiếc định vị GPS trên tay, “việc đi tìm chính xác vị trí và đầy đủ các bẫy ảnh là chuyện khó như tìm kim đáy bể”, Huy nói.

Từng chiếc, từng chiếc máy một được tìm thấy bằng đôi mắt tinh tường đến khó tin của một nhà nghiên cứu đã quen thuộc với màu sắc của rừng. Khác với người bình thường, không có kinh nghiệm, Huy chỉ cần một vài cái liếc mắt quét nhanh qua các thân cây đã có thể xác định được một vật thể khác lạ như chiếc máy nằm trên thân cây. Những tiếng hô to “A đây rồi!” hào hứng luôn phát ra từ phía anh đứng đầu tiên, theo sau đó là những bước chân lên lá xào xạc của nhóm nghiên cứu chạy đến kiểm tra và tháo gỡ máy. Niềm vui nho nhỏ sau mỗi lần xác định được chiếc bẫy ảnh tiếp thêm sự hưng phấn cho Huy để anh tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Tìm được chiếc bẫy ảnh đầu tiên, Huy và cán bộ bảo vệ rừng cẩn  thận gỡ máy và kiểm tra máy.
Tìm được chiếc bẫy ảnh đầu tiên, Huy và cán bộ bảo vệ rừng cẩn thận gỡ máy và kiểm tra máy

Hầu hết những chiếc bẫy ảnh đều đã hoạt động trong nhiều tháng trời, vì thế có thể máy đã bị động vật phá, pin bị chảy hay gặp những sự cố khác. Huy không vội vàng thu máy về vội mà đánh giá hiện trạng máy trước khi tiếp tục tìm kiếm những chiếc máy khác.

Cận cảnh bẫy ảnh công nghệ cao của GreenViet tại Bà Nà - Núi Chúa, được tài trợ bởi vườn thú San Diego và tổ chức giáo dục bảo tồn LVDI International, USA.
Cận cảnh bẫy ảnh công nghệ cao của GreenViet tại Bà Nà – Núi Chúa, được tài trợ bởi vườn thú San Diego và tổ chức giáo dục bảo tồn LVDI International, USA

Sau cả một buổi sáng lần mò dưới tán rừng, cuối cùng đoàn nghiên cứu cũng đã hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra và thay thế những chiếc bẫy ảnh của GreenViet. Những vẻ mặt ưu tư và đăm chiêu lo nghĩ về tình trạng của những chiếc bẫy ảnh giờ đây được thay thế bằng một bầu không khí đầy ắp năng lượng tự tin, dẫn lối chúng tôi xuống núi. Có lẽ ba chữ “về nhà thôi” chẳng lúc nào nghe ấm áp và quý giá đối với Huy hơn khi chúng được thốt lên sau những hành trình nghiên cứu thực địa nơi rừng núi thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Tưởng như đường về được thu ngắn lại bởi thành công của nhiệm vụ, đoàn chúng tôi ngay lập tức gặp một trận mưa xối xả khi mới đi được một phần ba quãng đường. Người ngợm ai cũng ướt sũng như chuột lội khiến những bước chân nặng nề hơn bởi sức nặng của nước và bùn đất nhơ nhớp dưới chân. Đầu gối run lên không vững mỗi khi phải rón rén bước thật chậm trên những đoạn đường gồ ghề, rong rêu và trơn trượt với chiếc balo chứa lỉnh kỉnh máy móc sau lưng. Không dám dừng lại nghỉ chân lâu bởi vừa mong ngóng về được tới nhà, vừa sợ vắt hành cho tả tơi, đoàn nghiên cứu chúng tôi bỗng nhiên im lặng hẳn đi, ai cũng lo bước chân của người ấy. Có lẽ những mệt nhọc của chuyến đi vất vả từ hôm qua bây giờ mới bắt đầu phát tác như muốn hạ gục ý chí của chúng tôi.

Ướt, lạnh và đói nhưng cuối cùng đoàn nghiên cứu và Huy cũng về tới trạm kiểm lâm
Ướt, lạnh và đói nhưng cuối cùng đoàn nghiên cứu và Huy cũng về tới trạm kiểm lâm

Nhưng con đường nào đi rồi cũng mòn, và chuyến đi nào cũng đến hồi kết, đoàn nghiên cứu của Huy cuối cùng cũng tới được Trạm kiểm lâm cửa rừng Sông Bắc. Đây là nơi chúng tôi bắt đầu hành trình và cũng là nơi chúng tôi trao nhau những lời tạm biệt, những cái nắm tay cảm ơn giữa những con người đã ăn chung ở chung với nhau dưới cùng một mái rừng. GreenViet sẽ không thể hoàn thành công việc nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa trong dự án nghiên cứu đa dạng sinh học tại Bà Nà – Núi Chúa.

Còn về phần Huy, anh sẽ còn đảm nhiệm nhiều chuyến nghiên cứu thực địa đầy thử thách nhưng không kém phần thú vị và ý nghĩa trong tương lai, và còn nhiều câu chuyện hấp dẫn khác để kể cho những bạn đọc đam mê và yêu mến thiên nhiên như anh nghe. Nhưng ngay bây giờ, không có điều gì khiến anh mong chờ hơn được trở về nhà và ăn một bữa cơm quây quần bên gia đình. 

Nguyễn Trung Hiếu/GreenViet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post