KHU HỆ LƯỠNG CƯ SƠN TRÀ
Với vị trí địa lý 3 mặt tiếp giáp với biển nên khí hậu ở bán đảo Sơn Trà mang nhiều hơi mặn do đó không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các loài Lưỡng cư. Kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2014, ghi nhận có 18 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, 1 bộ.
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà được thành lập theo Quyết định số 41/TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ, thuộc địa phận hành chính phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch là 4.439 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.595 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 1.844 ha.
Về nghiên cứu khu hệ Lưỡng cư tại đây đã có một số công trình công bố và các số liệu liên tục được bổ sung. Công bố đầu tiên của tác giả Đinh Thị Phương Anh (1997) đã ghi nhận ở Sơn Trà có 4 loài lưỡng cư. Năm 2009, cũng theo Đinh Thị Phương Anh và cộng sự, số liệu mới về lưỡng cư ở Sơn Trà là 12 loài. Kết quả mới nhất vào năm 2014 của tác giả Phan Thị Hoa và cộng sự đã công bố ở Sơn Trà có 18 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, 1 bộ trong đó có 1 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 2 loài có tên trong Danh lục đỏ quốc tế IUCN (2013).


Sự đa dạng thành phần loài lưỡng cư ở Sơn Trà so với các vùng lân cận khác là không cao (Bà Nà 38 loài, Bạch Mã 49 loài). Điều này có thể là do diện tích khu vực nhỏ, địa hình rừng núi có 3 phía giáp với biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của hơi mặn mà các loài lưỡng cư đa số không thích nghi được.
Trong số 6 họ lưỡng cư ở Sơn Trà, họ Ếch nhái chính thức (Dicroglossidae) và họ Ếch cây (Rhacophoridae) là các họ có nhiều loài nhất với 5 loài mỗi họ. Đặc biệt trong họ Ếch cây, loài Ếch cây sần tay-lo (Theloderma stellatum) là loài đặc biệt quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới (IUCN 2013) ở tình trạng sắp bị đe dọa. Loài này phân bố ở độ cao dưới 400m và rất ít gặp.

Danh lục các loài lưỡng cư ghi nhận ở Khu BTTN Sơn Trà: Tại đây
Hình ảnh một số loài lưỡng cư ở Sơn Trà:




Mặt khác, KBTTN Sơn Trà phần lớn là rừng thứ sinh với hơn 20 con suối lớn nhỏ, là môi trường sống rất thuận lợi cho các loài lưỡng cư ở đây. Tuy nhiên sự phát triển du lịch với các tuyến đường giao thông chia cắt sinh cảnh, xây các đập ngăn lấy nước sinh hoạt và các khu du lịch xây dựng hàng loạt đang dần thu hẹp vùng sống của các loài lưỡng cư. Thiết nghĩ chúng ta cần có các giải pháp cụ thể để cân bằng giữa phát triển theo hướng bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và khu hệ lưỡng cư nói riêng ở Sơn Trà.
Nguồn tham khảo
- Đinh Thị Phương Anh và cộng sự (1997), Khu hệ động – thực vật và nhân tố ảnh hưởng, đề xuất phương án bảo tồn sử dụng hợp lý khu bảo tồn thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà, Báo cáo tổng kết đề tài.
- Đinh Thị Phương Anh, Trần Thị Ánh Hương (2009). Thành phần loài ếch nhái và bò sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng, Báo cáo khoa học Hội thảo quốc gia về lưỡng cư, bò sát ở Việt Nam lần thứ nhất, NXB Đại học Huế: tr.19-24.,2009
- Phan Thị Hoa, Nguyễn Lân Hùng Sơn, Đinh Thị Phương Anh, Vũ Ngọc Thành (2014). Dẫn liệu mới về thành phần loài và sự phân bố của lưỡng cư, bò sát ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 30, Số 1S (2014) 79-87.