NHỮNG KẾT QUẢ SAU MỘT NĂM GIÁO VIÊN LỒNG GHÉP KIẾN THỨC SƠN TRÀ VÀO BÀI GIẢNG

Các thầy cô THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có cơ hội tham gia chương trình “Hành trình Tôi Yêu Sơn Trà 2018” vào năm ngoái (2018), sau khi kết thúc chương trình, đã ứng dụng lồng ghép kiến thức đa dạng sinh học vào bài dạy trên lớp

Đã một năm sau chương trình “Hành trình tôi yêu Sơn Trà 2018” được phối hợp tổ chức giữa trung tâm GreenViet và Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho 300 giáo viên THCS giảng dạy bộ môn Sinh học và Ngữ văn và cán bộ phòng Giáo dục ở 6 quận/huyện. Các giáo viên đã đạt được một số kết quả nhất định với mục tiêu ban đầu hướng đến hình thức dạy học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm truyền tải kiến thức về đa dạng sinh học (ĐDSH) cho các em học sinh qua hình thức lồng ghép thú vị vào các bài giảng trên lớp hay các hoạt động ngoại khóa thiên nhiên ngoài trường học.

Chủ nhật ngày 14/04/2019, GreenViet có buổi gặp mặt lại đầu tiên với các thầy cô tổ Hóa-Sinh THCS Lý Tự Trọng (Quận Sơn Trà)  kể từ khi kết thúc chương trình. Các thầy cô chia sẻ về các khó khăn gặp phải khi đưa kiến thức ĐDSH vào bài dạy trên lớp. Một số vấn đề có thể kể đến như:

  • Không đủ thời gian để lồng ghép với tiết học 45 phút và lượng kiến thức của bài học trên lớp
  • Không đủ kinh phí để tổ chức ngoại khóa trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà
  • Gặp khó khăn trong vấn đề vận động đóng góp tổ chức và vấn đề quản lý học sinh
  • Giáo viên chưa được cập nhật nhiều kiến thức về ĐDSH tại địa phương

Chính vì thế, các thầy cô đã rất tích cực chia sẻ để tìm ra những giải pháp cho các khó khăn đó và những đề xuất sáng tạo nhằm tiếp tục tìm cách đưa các kiến thức về Sơn Trà đến gần hơn với các em học sinh.

Các thầy cô tổ Hóa – Sinh trường THCS Lý Tự Trọng, tham gia buổi cà phê trao đổi vào sáng Chủ Nhật ngày 14/04/2019

Thầy Hùng (THCS Lý Tự Trọng, giảng dạy bộ môn Hóa) đề xuất: “Nếu mỗi lớp trưng bày 1 hình ảnh về một loài động vật ở Sơn Trà, thì với 32 lớp sẽ tạo được một chương trình triển lãm cực thú vị cho học sinh”

Cô Oanh (THCS Lý Tự Trọng, giảng dạy bộ môn Sinh) chia sẻ những khó khăn gặp phải khi đưa kế hoạch dự định vào hoàn cảnh thực tế. Cùng với các cô giáo khác trong tổ Sinh học, đều đồng tình với đề xuất xây dựng “Vườn Rừng” trong khuôn viên trường để thuận tiện hơn cho việc giảng dạy và thực hành của giáo viên và học sinh tại trường.

Cô Oanh – giảng dạy bộ môn Sinh trường THCS Lý Tự Trọng đang chia sẻ về những trở ngại trong quá trình lồng ghép các kiến thức đa dạng sinh học Sơn Trà vào bài dạy, và đưa ra các đề xuất cải thiện

Các ý tưởng thú vị khác cũng đã được các thầy cô đề xuất với mong muốn phát triển cho công tác giảng dạy lâu dài:

  • Xây vườn rừng trong khuôn vực khuôn viên trường;
  • Soạn giáo án bài giảng lồng ghép trong giảng dạy;
  • Triển lãm các mô hình bài học kinh nghiệm về lồng ghép ĐDSH Sơn Trà trong giảng dạy;
  • Tập huấn cho giáo viên về thực vật trong khuôn viên trường;
  • Tổ chức học kỳ hè tại rừng (sinh hoạt, học về động thực vật,…)
  • Ảnh các loài động vật Sơn Trà được trưng bày trong từng lớp và dọc các hành lang, để khi học sinh đi hết một vòng các lớp sẽ nắm được hết các loài động, thực vật.

Buổi offline giáo viên thứ hai được tổ chức với các cô giáo tổ Sinh học – Ngữ văn của trường THCS Nguyễn Huệ (q.Hải Châu), vào sáng Chủ Nhật 21/04/2019. Một năm sau khi tham gia chương trình, các cô cũng đã áp dụng các kiến thức Sơn Trà qua các hình thức như:

  • Đưa vào đề kiểm tra 1 tiết và kiểm tra học kỳ
  • Lồng ghép trong bài “Đặt câu”
  • Lồng ghép trong bài học môn “Văn nhật dụng”
Các giáo viên bộ môn Sinh học – Ngữ Văn của trường THCS Nguyễn Huệ (q.Hải Châu)

Về việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thiên nhiên tại Sơn Trà cho học sinh, các cô giáo rất ủng hộ và mong muốn có sự hỗ trợ của GreenViet trong việc xây dựng nội dung chương trình sao cho thú vị, tạo hứng thú với học sinh nhất. Các cô cũng hiểu và chia sẻ: “Học sinh phải có cơ hội được tận mắt thấy, trải nghiệm và sống giữa thiên nhiên Sơn Trà, mới có thể yêu Sơn Trà một cách thực và gần gũi, từ đó mới hình thành mong muốn bảo vệ Sơn Trà”.

Cô Đô dạy bộ môn văn (THCS Nguyễn Huệ) cũng chia sẻ: “Các phụ huynh rất sẵn lòng chung tay đóng góp để các em học sinh được trải nghiệm sâu sắc thiên nhiên của Sơn Trà” . Đây là một điều đáng mừng khi phụ huynh quan tâm nhiều hơn và mong muốn các con của mình học từ thực tế và tham gia các hoạt động trải nghiệm bên ngoài bên cạnh việc học tập tại trường lớp.

Các cô cũng chia sẻ các kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình giảng dạy và lồng ghép kiến thức ĐDSH Sơn Trà. Cô Trang (THCS Nguyễn Huệ) cũng có câu chuyện rất thú vị: “Cô lồng ghép câu hỏi “Là học sinh, em có thể làm gì để bảo vệ Voọc chà vá chân nâu? Và các bạn đã ra trạm chờ xe buýt gần đó để tham khảo thông tin về Voọc trên banner được dán ở trạm chờ”

Chị Trang – Phó Giám đốc GreenViet đang chia sẻ cho các giáo viên hình ảnh và thông tin về thực vật Sơn Trà

Bên cạnh đó, cũng rất nhiều đề xuất cũng được đưa ra để cùng GreenViet tìm giải pháp lồng ghép sâu hơn vào trong bài giảng như:

  • Bộ ảnh động thực vật Sơn Trà đặt tại phòng Bộ môn Hóa – Sinh để các thầy cô sử dụng cho bài giảng
  • Cung cấp các đoạn phim về động thực vật Sơn Trà để các thầy cô chiếu trong giờ học

 Các hoạt động cũng đã được dự tính sẽ đưa vào lồng ghép vào học kỳ 1 trong năm học mới (2019-2020)

Trung tâm GreenViet sẽ tiếp tục các cuộc gặp gỡ trao đổi với các trường ở các quận còn lại, để lắng nghe các chia sẻ, đóng góp đề xuất nhằm phát triển các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học Sơn Trà cho học sinh cấp II trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu đưa thiên nhiên Sơn Trà đến gần hơn với học sinh Đà Nẵng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post