VĂN BẢN PHÁP LUẬT CHỒNG CHÉO ĐÃ ‘BAO CHE’ TỘI PHẠM GIẾT VOỌC Ở BÁN ĐẢO SƠN TRÀ

Sự chồng chéo trong các văn bản quy định pháp luật gây vướng mắc trong thực thi Pháp luật bảo vệ loài là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà là một trong 10 khu rừng cấm đầu tiên của Việt Nam theo Quyết định số 41-TTg  ngày 24/01/1977 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích 4,000ha, đây là cơ hội lớn cho tỉnh Quang Nam – Đà Nẵng (nay Thành phố Đà Nẵng) trong bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng Sinh học. Tuy nhiên, diện tích rừng được ưu tiên bảo vệ ở Sơn Trà ngày càng thu hẹp. Vào năm 1992, khu rừng cấm Sơn Trà đổi thành khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà với quy mô lâm phận 4.439 theo Quyết định số 447/LN – KL ngày 02/10/1992 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Đến năm 2008 UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ – UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020 và Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích KBTTN Sơn Trà (rừng đặc dụng, khu dự trữ thiên nhiên) còn 2.591,1.  Trong khi Bán đảo Sơn Trà là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi sống của nhiều loài sinh vật độc đáo, trong đó có loài Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus)

Voọc chà vá chân nâu (CVCN) là một trong 26 loài và phân loài thú linh trưởng của Việt Nam. Loài này chỉ phân bố ngoài tự nhiên trong lãnh thổ thuộc ba nước Đông Dương, trong đó Việt Nam là nơi phân bố quan trọng của loài. Tại Việt Nam, CVCN phân bố phân tán trong các khu rừng bị chia cắt từ Nghệ An đến Kon Tum, Gia Lai (1). Trong đó, chỉ có quần thể loài ở bán đảo Sơn Trà được nghiên cứu sâu, dễ tiếp cận và quản lý nhất. Còn các khu rừng khác chưa có đánh giá đầy đủ về kích thước quần thể và môi trường sống của loài. Voọc chà vá chân được ưu tiên bảo vệ tại Phụ lục I của Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; thuộc Nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thuộc loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2015).

Hiện nay, sự chia cắt sinh cảnh, giảm môi trường sống, nạn săn bắt và vướng mắc trong thực thi Pháp luật bảo vệ loài là những mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài CVCN. Câu chuyện chồng chéo của Pháp luật đã trở thành “dây bẫy”, “súng tặc” hay có thể gọi là cái vòng lẩn quẩn “bao che” kẻ bẫy bắt, săn bắn loài CVCN tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Năm 2015, Hạt kiểm lâm Liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (Hạt kiểm lâm Sơn Trà) đã phát hiện được 02 vụ vi phạm giết CVCN ở bán đảo Sơn Trà, nhưng kẻ phạm tội vẫn ngoài vòng pháp luật sau hơn 01 năm. Vụ thứ nhất được phát hiện ngày 30/3/2015 tại tiểu khu 64 thuộc KBTTN Sơn Trà, đương sự vi phạm đã bị lược lượng kiểm lâm bắt ngay tại chỗ gồm ông Vi Văn Sơn, ông Vi Văn Hoàng, ông Nguyễn Văn Lý, ông Nguyễn Văn Hội và chị Lê Thị Lan, với tang vật gồm 3,11kg động vật rừng, ban đầu kết luận là các bộ phận của Voọc chà vá chân nâu, ngoài ra còn thu được 10 bẫy kẹp sắt và 90 bẫy thép (2). Vụ thứ hai vào ngày 2/9/2015 do một du khách phát hiện tại tuyến đường Tiên Sa, Sơn Trà rồi báo về cho Trung tâm GreenViet và Hạt kiểm lâm Sơn Trà. Qua khám nghiệm tử thi đã kết luận có nhiều mãnh đạn vỡ sót lại trong cơ thể, tuy nhiên chưa tìm ra tội phạm.

Vi Văn Sơn bị bắt quả tang tại tiểu khu 64 vào ngày 30/3/2015. Nguồn VoV.vn

Được sự hướng dẫn từ Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng, Hạt kiểm lâm Sơn Trà đã gửi văn bản đến Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định. Ngày 03/4/2015 Viện này đã có Văn bản 245/STTNSV về kết luận đây là những bộ phận của 02 cá thể Voọc chà vá chân nâu. Căn cứ kết quả trưng cầu giám định và các chứng cứ, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quy, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo đề nghị tại Quyết định số 62/QĐ/KTVAHS-KL vào ngày 06/4/2015 cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà. Xét thấy vụ việc quan trọng, thuộc khoản 2, Điều 190 Bộ luật hình sự, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà đã ra quyết định khởi tố bị can tại số 55, 56 và Lệnh bắt bị can để tạm giam và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân quận Sơn Trà phê chuẩn (2). Trong thời gian này, cộng đồng người dân Đà Nẵng mong nhanh có một kết quả thích đáng cho kẻ phạm tội, nếu mức truy tố hình sự cao nhất được áp dụng sẽ răn đe săn tặc và góp phần bảo vệ loài CVCN.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân nhân quận Sơn Trà không thể thi hành án bởi giữa các văn bản Pháp luật có những nội dung chồng chéo, vướng mắc. Nếu căn cứ Điều 190 Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi 2009) thì có quyền truy tố trách nhiệm hình sự đối với bị can với mức tối đa 7 năm tù. Ngoài ra, một số Nghị định, văn bản khác cũng hỗ trợ cho việc thực thi Điều 190 này theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự gồm Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài, và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài Nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Thông tư Liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 về hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong khi tại khoản 8, Điều 21, Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì chỉ áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự khi giá trị của cá thể CVCN bị xâm phạm này không những chỉ thuộc nhóm IB mà còn phải có giá trị trên 100 triệu đồng. Chính Nghị định 157 đã làm cho quá trình xét xử các vụ vi phạm về động vật hoang dã thuộc danh lục loài quý, hiếm, nguy cấp thuộc nhóm IB trở nên khó khăn, bởi đây là những loài cấm sử dụng vì mục đích thương mại thì việc định giá là một trở ngại cho Hội đồng định giá. Chính vì vậy, Công an Quận Sơn Trà và các phòng chuyên môn thuộc UNBD quận Sơn Trà đã tổ chức trưng cầu định giá tài sản đối với một cá thể CVCN nhưng không thành, nên Viện Kiểm sát nhân dân quận Sơn Trà chưa thể phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, buộc phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất quan điểm xử lý.

Đứng trước những khó khăn khi xử lý các vụ việc xâm hại động vật, thực vật rừng quý hiếm được quy định tại Nghị định 157/2013/N

Voọc chà vá chân nâu bị bắn chết ngày 2/9/2015 tại Sơn Trà .Ảnh: GreenViet

Đ-CP, ngày 27/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Một nội dung quan trọng là bổ sung Điểm d, Khoản 10, Điều 22 như sau: “Động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị trên 100 triệu đồng.” Có thể nói, Nghị định 40 đã cho các cơ quan thực thi Pháp luật một “phương pháp” để giải bài toán chồng chéo, nhưng các cấp chính quyền Đà Nẵng gặp muôn vàn khó khăn khi xử lý, bởi vụ vi phạm bắn CVCN vào ngày 30/3/2015 xảy ra đã được Cơ quan cảnh sản điều tra Công an quận Sơn Trà quyết định khởi tố bị can vào ngày 8/4/2015 (2), trước 19 ngày khi Chính phủ ban hành Nghị định 40/2015/NĐ-CP. Trong khi đó, tiếp tục đau đầu hơn cho cơ quan quản lý và thực thi pháp luật tại Đà Nẵng là vào ngày 2/9/2015 lại phát hiện thêm một cá thể CVCN bị bắn chết tại bán đảo Sơn Trà. Vào thời điểm này, hành lang pháp lý hết chồng théo nhưng chưa tìm được tội phạm. Với những vướng mắc trên đã kéo dài thời gian xét xử và có thể khó áp dụng được mức án cao nhất thì thời gian này có thể là “cơ hội vàng” cho những kẻ săn bắt CVCN trái phép ở Sơn Trà tiếp tục lọng hành và tăng số lượng “đồng minh”.  

Trước những thách thức lớn đối với công tác bảo tồn loài CVCN trên toàn cầu, một Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn Linh trưởng Việt Nam trong vòng 30 năm tới, được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2016, các nhà khoa học đã đồng ý nâng mức độ ưu tiên bảo vệ CVCN lên mức Cực kỳ nguy cấp (CR) thay mức Nguy cấp (EN) đã tồn tại trong nhiều năm qua. Đây có thể là hồi chuông cảnh báo và thêm cơ sở cho các nhà thực thi Pháp luật mạnh mẽ hơn việc truy cứu trách nhiệm hành chính và hình sự đối với các trường hợp vi phạm động vật rừng quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ nhằm răn đe và ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, sử dụng và tàng trữ trái phép những loài này.

Hiện nay, các cơ quan thực thi pháp luật tại Đà Nẵng, Trung tâm GreenViet, cộng đồng và các tổ chức khác đang trong quá trình tiếp tục thu thập thêm các chứng cứ, các cơ sở pháp lý và các dẫn liệu để vụ việc xâm hại CVCN ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng trong năm 2015 sớm đưa ra xử lý.

Tài liệu tham khảo:

(1) Conservation of Vietnam Primates in Indochina, Nadler and et al, 2010

(2) Công văn số 653/KL-QLBVR&BTTN ngày 02/10/2015 của Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng về việc xử lý vi phạm hình sự vụ án săn bắn Voọc tại Sơn Trà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post