XÂY DỰNG 40 MÓNG BIỆT THỰ SẼ LÀM MẤT MỘT PHẦN ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI SƠN TRÀ

Nếu 40 móng biệt thự tiếp tục được xây dựng, cả hệ sinh thái biển và rừng của Sơn Trà sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và làm mất đi 17ha diện tích rừng là sinh cảnh sống quan trọng của loài chà vá chân nâu.

Theo hình ảnh từ Facebook của ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng vào sáng ngày 30/11, nhiều công nhân đang thi công công trình được cho là của Công ty CP Tiên Sa trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tạm dừng và thanh tra toàn diện các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) giai đoạn 2003 – 2016.

Hình ảnh từ Facebook của ông Huỳnh Tấn Vinh cho thấy công nhân đang thực hiện xây dựng công trình tại vị trí của 40 móng biệt thự

Gần đây, UBND Đà Nẵng đã có quyết định văn bản đề nghị các cơ quan liên quan tạm thời chưa giải quyết các thủ tục liên quan đến các giao dịch bất động sản ở bán đảo Sơn Trà để phục vụ thanh tra đất đai, trong đó có công trình của Công ty CP Tiên Sa. 

Theo báo Người Lao Động, trưa 30-11, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã chính thức công bố thông cáo báo chí phản hồi về sự việc xảy ra tại Sơn Trà vào sáng 30/11 này. Theo đó, Sở đã cùng với UBND quận Sơn Trà kiểm tra thực tế khu vực bị nghi ngờ là đang xảy ra tái thi công công trình chưa được cấp phép. Sau khi kiểm tra và đối chiếu với các hồ sơ liên quan, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay việc chủ đầu tư triển khai xây dựng hiện nay tại dự án Khu Du lịch biển Tiên Sa là việc xây dựng kè chắn để bảo vệ chống sạt lở theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 5689/UBND-SXD ngày 26-7-2017. Sở Xây dựng cũng cho biết không có việc xây dựng lại các hạng mục khác tại dự án. Tuy nhiên cộng đồng mạng xã hội đặt câu hỏi liệu đây có thực sự là xây kè chống sạt lỡ không?

Trước bối cảnh này, ông Trần Hữu Vỹ, giám đốc trung tâm GreenViet khẳng định nếu 40 móng biệt thự chưa cấp phép tiếp tục được thi công, đa dạng sinh học của Sơn Trà, bao gồm cả hệ sinh thái rừng và biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, bất kì hoạt động xây dựng tại Sơn Trà vào mùa mưa như 40 móng biệt thự này sẽ khiến một lượng bùn đất lớn chảy ra biển, gây ô nhiễm và làm chết rạn san hô biển Sơn Trà vốn đã suy giảm 42% diện tích trong 10 năm qua. Theo tiến sĩ TS. Nguyễn Xuân Hòa, Viện Hải Dương học Nha Trang, không chỉ rạn san hô, mà thảm cỏ biển Sơn Trà cũng đang bị suy giảm về mặt diện tích và biến động về cấu trúc theo xu hướng suy thoái được gây ra bởi tác động của con người ở vùng ven bờ như phát triển cơ sở hạ tầng vùng ven biển. 

Ngoài ra, ngôi nhà của 02 gia đình voọc chà vá chân nâu trong tổng số 1300 cá thể tại Sơn Trà sẽ bị mất sinh cảnh sống và khu vực kiếm ăn bởi việc xây dựng 40 móng biệt thự có tổng diện tích lên tới 17ha này. Việc xây dựng này cũng sẽ gia tăng nguy cơ tai nạn giữa voọc và xe cộ, nguy cơ gia tăng săn bắn, bẫy bắt và truyền bệnh giữa voọc và người khi phát triển quy hoạch và du lịch không kiểm soát.

Theo nghiên cứu về sự phân bố và số lượng VCVCN tại Sơn Trà của GreenViet, nhiều gia đình voọc sinh sống tại khu vực 40 móng biệt thự sẽ bị ảnh hưởng khi dự án quy hoạch này được diễn ra.

Theo ông Vũ Ngọc Thành – giám đốc chương trình bảo tồn nhóm chà vá Việt Nam, 80% loài vọoc kiếm ăn dưới bình độ 200m của Sơn Trà, trong khi đó độ cao của dự án 40 móng biệt thự này cũng nằm dưới độ cao cảnh báo nói trên.

Theo đó, GreenViet đề xuất trước khi có một quy hoạch tổng thể và chi tiết phù hợp cho phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà thì không nên có bất cứ một hoạt động xây dựng nào diễn ra ở đây.

Hieu Nguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post