KHAI MẠC KHÓA TẬP HUẤN BẢO TỒN THÚ LINH TRƯỞNG 2015
Chương trình Khai mạc Khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng 2015 diễn ra tại trường Đại học sư phạm với sự tham gia của đại diện các tổ chức bảo tồn cùng các vị lãnh đạo của trường Đại học Sư phạm.

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới(trong tương lai) để phục vụ cho công tác bảo tồn linh trưởng nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung ở Việt Nam. Sáng ngày 25/9/2015, Hội động vật học Frankfurt đã phối hợp với Khoa Sinh Môi Trường,Trường Đại Học Sư phạm- Đại Học Đà Nẵng và Trung tâm Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh đã chính thức khai mạc Khóa Tập huấn bảo tồn thú linh trưởng. Đây là lần thứ 9 khóa tập huấn được tổ chức tại Đà Nẵng. Thời gian tập huấn năm nay là 9 ngày (25/9 – 3/10), trong đó các học viên sẽ được trang bị kiến thức trong 3 ngày lý thuyết, và 5 ngày thực nghiệm tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai.

Đến tham dự buổi khai mạc, về phía Trường Đại Học Sư Phạm, có sự quan tâm và tham gia của TS Lê Quang Sơn – Hiệu Phó Trưởng, Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Minh – Trưởng phòng đào tạo, TS Võ Châu Tuấn – Trưởng Khoa Sinh Môi Trường. Về phía Hội động vật học Frankfurt, có TS. Hà Thăng Long – Trưởng Đại diện của Hội tại Việt Nam và Ths. Trần Hữu Vỹ – giám đốc Trung tâm Greenviet và chuyên gia người Đức Tilo Nadler – Giám đốc cứu hộ thú linh trưởng Nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương – chuyên gia về Linh trưởng và là người có hơn 20 năm tâm huyết với công tác bảo tồn Linh trưởng tại Việt Nam. Ngoài ra phía cơ quan thông tấn, có đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cũng đến đưa tin về buổi lễ khai mạc của khóa tập huấn. Và đặc biệt là sự tham gia của 20 sinh viên xuất sắc được tuyển họn từ hơn 50 hồ sơ từ ba khoa Sinh Môi Trường, Khoa Địa Lý , Khoa Hóa học Để mở màn khai mạc khóa tập huấn, Tiến sĩ Võ Châu Tuấn, trưởng Khoa Sinh – Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã lên phát biểu khai mạc. Ông cho biết “Khóa tập huấn là một trong những hoạt động thường niên của Khoa Sinh – Môi trường thực hiện theo thỏa thuận hợp tác bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam giữa Khoa và Hội động vật học Frankfurt. Khóa tập huấn không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết của sinh viên về đa dạng sinh học mà còn cung cấp các kỹ năng nghiên cứu bảo tồn thú linh trưởng nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung. Ngoài ra, đây là một trong các hoạt động giúp mở rộng hoạt động hợp tác Quốc tế của Khoa Sinh – Môi trường, góp phần vào sự phát triển của Khoa”.
Tiến sĩ Hà Thăng Long, trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, đơn vị tài trợ chính cho Khóa tập huấn từ năm 2006, đã gửi lời chia sẻ đầy cảm xúc đến các bạn học viên khóa 2015 “Từ năm 2006 đến nay đã có nhiều sinh viên tham gia chương trình tập huấn, và có những người đã trưởng thành từ khóa tập huấn đó để trở thành những người đứng đầu của các tổ chức như Trung tâm GreenViet, và quay lại hỗ trợ khóa tập huấn như hôm nay. Để có được thành quả này tôi vô cùng cảm kích sự nỗ lực của ông Tilo Nadler từ những ngày đầu tiên với khát khao thành lập một Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng cho Việt Nam, để đến hôm nay có được một Trung tâm cứu hộ được 14 loài linh trưởng nguy cấp với 150 cá thể, thậm chí còn tổ chức được các chương trình tái thả linh trưởng về tự nhiên như chương trình tái thả Vọ oc mông trắng ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hay tái thả Vọ oc Hà Tĩnh ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Đối với tôi, trong công tác bảo tồn, yếu tố con người là một yếu tố quan trọng, và các hoạt động bảo tồn ở Việt Nam cần phải được thực hiện bởi chính những con người Việt Nam. Như tôi là một người Đà Nẵng, và tôi cũng có khát khao bảo tồn đa dạng sinh học của Đà Nẵng. Chính vì vậy từ những năm 2000 tôi đã đề xuất với Tiến sĩ Võ Văn Minh về việc hợp tác để bảo tồn thú linh trưởng khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sau hơn 10 năm hợp tác, đã có những người trưởng thành từ các khóa tập huấn trở thành các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn cho Việt Nam. Khóa tập huấn này không những góp phần xây dựng và phổ biến yếu tố con người mà còn tạo cơ hội học hỏi, kết nối giữa các cá nhân và tập thể để bảo tồn linh trưởng tốt hơn. FZS rất vinh dự được hợp tác với khoa Sinh Môi trường để tổ chức khóa tập huấn này, và cũng mong các anh chị học viên cũ cố gắng chia sẻ với các học viên mới để khóa tập huấn đạt kết quả tốt nhất”.
Với vai trò là người tiên phong trong những hoạt động cứu hộ thú linh trưởng ở Việt Nam trong một thời gian dài, ông Tilo Nadler – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương cũng gửi gắm những lời tâm huyết đến với các học viên cũ và những học viên năm 2015 trong nỗ lực bảo tồn thú linh trưởng của Việt Nam. Ông chia sẻ “Việt Nam là một nước có sự đa dạng sinh học rất là cao, đặc biệt nhiều loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam mà không có ở nơi nào khác trên thế giới. Người Việt có trách nhiệm trong việc phải bảo tồn cho được các loài thú linh trưởng của Việt Nam.Trong những năm qua, FZS đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn thú linh trưởng ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ bây giờ là cơ hội để người Việt Nam làm điều đó. Không phải là tất cả các bạn, mà một số trong các bạn sẽ làm được việc đó. Với những hỗ trợ của FZS, và đặc biệt bây giờ còn có sự hỗ trợ từ GreenViet, một tổ chức của người Việt, là vô cùng quan trọng để tổ chức khóa tập huấn này. Tôi hy vọng khóa tập huấn này sẽ đạt được những thành công như mong đợi để tạo ra những nhà bảo tồn trong tương lai của Việt Nam”.
Là người đầu tiên tạo cơ hội để đưa Khóa tập huấn về với Đà Nẵng từ khi còn là trưởng Khoa Sinh – Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Minh, hiện là Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đã tâm huyết chia sẻ “Đại học sư phạm Đà Nẵng là một nơi đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, và hướng đến là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu, nên những kiến thức về nghiên cứu thực địa là vô cùng quan trọng. Khóa tập huấn thú linh trưởng này là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao năng lực của người học trong các hoạt động nghiên cứu, đồng thời kết nối tình yêu thiên nhiên và rèn luyện các kỹ năng khác để có thể thực hiện các hoạt động bảo tồn trong tương lai. Mối quan hệ hợp tác này có thể phát triển thành các hợp tác nghiên cứu trong thời gian sắp tới”.
Cũng dành thời gian đến tham dự lễ khai mạc Khóa tập huấn 2015, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, phó hiệu trưởng nhà trường, đã góp đôi lời đến các bạn học viên và giáo viên tham gia chương trình. Ông cho biết “Đây là một hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo của trường và mở ra các cơ hội hợp tác cho sinh viên và giáo viên của trường. Trong khuôn khổ đổi mới giáo dục một cách toàn diện, việc mở rộng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu là rất cần thiết, việc hợp tác với các đơn vị là rất quan trọng. Tôi mong các bạn học sinh và các thầy cô giáo sẽ sử dụng tốt cơ hội này để học hỏi và ứng dụng các kiến thức và kỹ năng học được”.
Ngay sau khi kết thúc buổi Khai mạc, các học viên của Khóa tập huấn Bảo tồn thú linh trưởng 2015 đã bắt tay vào tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng cần thiết, trước khi tham gia vào chuỗi ngày thực địa thú vị tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai. Bạn Nguyễn Thùy Dung và Trần Diệp Thị Ly, hai bạn trong 20 học viên được chọn tham gia khóa tập huấn năm nay, đã vô cùng hồ hởi chia sẻ trước khi kết thúc chương trình khai mạc “Em vô cùng hào hứng, em đã dành thời gian mấy ngày qua để sắp xếp việc học và chuẩn bị hành trang để lên đường. Chuyến đi này em đã mơ ước từ lâu và phải rất cố gắng để có thể vượt qua các ứng viên khác và được lựa chọn trong danh sách 20 học viên. Em tin chắc rằng khóa tập huấn sẽ giúp ích cho em nhiều trong công việc của em sau khi ra trường và được thỏa mãn đam mê của mình”.
Một số hình ảnh trong khóa tập huấn:


