TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA THANH NIÊN TRONG NGĂN CHẶN BUÔN BÁN VÀ TIÊU THỤ ĐVHD TRÁI PHÉP
Ngày 01/11, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh phối hợp cùng Khoa Du lịch – Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của thanh niên trong ngăn chặn bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép ở khu vực miền Trung”. Hội thảo thu hút 150 sinh viên và giảng viên Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á Đà Nẵng tham gia.
Các nội dung chính được trình bày tại hội thảo gồm: Pháp luật bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam; Hiện trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam; Giáo dục bảo vệ hệ sinh thái và động vật hoang dã cho sinh viên, thế hệ thanh niên và một số trò chơi trí tuệ liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng cho biết sự kiền này là cơ hội để sinh viên ngành du lịch được nâng cao hiểu biết về ĐVHD, từ đó có thể chia sẻ rộng rãi kiến thức về ĐVHD với du khách trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm GreenViet đã chia sẻ những thách thức đối với bảo vệ ĐVHD hiện nay chính là việc mất và chia cắt sinh cảnh sống, tiêu thụ động vật hoang dã, xung đột giữa động vật hoang dã với con người và việc thiếu nguồn nhân lực, tài chính. Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) vào năm 2021, Việt Nam được đánh giá là Trung tâm toàn cầu về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán ĐVHD bất hợp pháp (như ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác từ Châu Phi; thay thế Trung Quốc để trở thành điểm đến buôn lậu ngà voi đứng đầu thế giới vào 2019. Một số ví dụ thực tế trong quá trình nghiên cứu ĐVHD của Trung tâm GreenViet cũng đã được chia sẻ tại hội thảo nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về thực trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD tại một số tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Ông Thái Văn Quang, đại diện Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Đà Nẵng cho biết, Việt Nam sở hữu nhiều hệ sinh thái khác nhau, là một trong 14 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều động vật hoang dã, quý hiếm như voi, gấu, sao la, cáo, heo rừng, các loài linh trưởng, rắn biển, cá mập…
Mặc dù Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg (23/7/2020) về một số giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã nhưng tình trạng săn bắn, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn diễn ra trên diện rộng và phức tạp.
Ông Thái Văn Quang nhấn mạnh cần tăng cường trách nhiệm trong thực thi pháp luật, có nhận thức, trách nhiệm cả cộng đồng; giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã vì giảm tiêu thụ sẽ giảm quá trình săn bắt; đồng thời cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm… Bên cạnh đó cũng đề cao vai trò của giới trẻ, nhất là thế hệ sinh viên, học sinh trong việc chung tay bảo vệ ĐVHD để bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH.
Nêu ra kinh nghiệm trong việc giáo dục sinh viên có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, PGS.TS Đậu Thị Hòa cho hay, những năm gần đây Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế trong môi trường tự nhiên; tạo điều kiện để sinh viên được hòa nhập vào thực tế, tận mắt chứng kiến sự phát triển của hệ sinh thái tự nhiên. Điều này đã tác động đến ý thức, thái độ và hành vi của sinh viên đối với việc bảo vệ động vật hoang dã. Khoa cũng thường tổ chức chương trình tập huấn về các chủ đề “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”, “Bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã”; “Thay đổi thói quen để sống cách sống Xanh”; đồng thời thành lập các đội truyền thông và tuyên truyền trong sinh viên về bảo vệ động vật hoang dã tại cộng đồng dân cư…
Tại Hội thảo, đại diện 5 lớp thuộc Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á đã thực hiện ký cam kết về bảo vệ ĐVHD với các nội dung như: Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã; Không săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật; Không tiếp tay cho các đối tượng săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật; Khi phát hiện có người săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật thì thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý; Tích cực tuyên truyền vận động gia đình, bạn bè và cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.