BÁN ĐẢO SƠN TRÀ – ĐỊA ĐIỂM THUẬN LỢI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC
Trong 3 năm từ năm 2013 đến 2015, Trung tâm GreenViet đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học tại Bán đảo Sơn Trà, mang lại nhiều hoạt động bổ ích cho cộng đồng dân cư Đà Nẵng.
Vào sáng ngày 9 tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo “Xây dựng và tăng cường năng lực cộng đồng địa phương vì môi trường thông qua chương trình giáo dục phát triển bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng kết hợp với Đại học Kyoto, Nhật Bản tổ chức, Trung tâm GreenViet đã có bài báo cáo tham luận với chủ đề “Bán đảo Sơn Trà – địa điểm thuận lợi cho các hoạt động truyền thông giáo dục bảo tồn thiên nhiên ở thành phố Đà Nẵng”, trong đó phân tích các điểm độc đáo của Sơn Trà trong việc thực hiện các chương trình giáo dục ngoại khóa, và đưa ra các ví dụ điển hình là các chương trình thành công của Trung tâm GreenViet để chia sẻ với các đơn vị giáo dục trên địa bàn.

Thành phố Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương lớn thứ ba của Việt Nam với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú và đa dạng. Đặc biệt, bán đảo Sơn Trà với Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà ngay trong lòng thành phố là một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Bán đảo Sơn Trà không chỉ giúp điều hòa khí hậu cho thành phố mà còn là địa điểm độc đáo cho các hoạt động giáo dục thiên nhiên. Đặc biệt, KBTTN Sơn Trà còn là ngôi nhà của khoảng 300 cá thể Vọoc chà vá chân nâu (VCVCN) (Pygathrix nemaeus) được mệnh danh là nữ hoàng của các loài linh trưởng với bộ lông có năm màu sắc nổi bật.
Với sứ mệnh phổ biến các giá trị đa dạng sinh học đến cộng đồng, từ khi thành lập, Phòng Truyền thông và Giáo dục của Trung tâm GreenViet đã phối hợp với các đối tác địa phương để thực hiện nhiều chương trình giáo dục tại bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là phối hợp với Phòng Giáo dục quận Sơn Trà và Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Với chiến lược sử dụng hình ảnh của loài VCVCN làm loài biểu tượng để thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của KBTTN Sơn Trà, từ năm 2013, Trung tâm GreenViet thực hiện chương trình “truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn quần thể VCVCN” với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó có cáchoạt động như: treo poster VCVCN ở 34 phường và 50 cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố, tổ chức “Hành trình Tôi yêu Sơn Trà”với hoạt động ngắm VCVCN ở Sơn Trà vào Chủ Nhật hàng tuần cho gần 1,000 người dân Đà Nẵng. Ngoài ra còn có hoạt động chiếu phim về VCVCN cho hơn 1,000 em học sinh cấp 1 và cấp 2 ở quận Sơn Trà.
Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện hoạt động “Nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học KBTTN Sơn Trà ở bốn trường cấp 1 và cấp 2 của quận Sơn Trà” với tên gọi “Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà” với các bài học được triển khai trong một năm học. Hoạt động bao gồm một chương trình ngoại khóa tại KBTTN Sơn Trà và sáu bài học tại lớp như:Tổng quan về đa dạng sinh học KBTTN Sơn Trà, VCVCN – nữ hoàng của các loài linh trưởng, Khỉ vàng ở núi khỉ Sơn Trà, Các loài chim Sơn Trà, v.v…Cuối mỗi năm học, trung tâm tổ chức hoạt động “Vui Giáng sinh cùng VCVCN” tại KBTTN Sơn Trà nhằm mục đích gắn kết tình yêu thiên nhiên của em học sinh và các vị phụ huynh.
.jpg)
Sau ba năm thực hiện các chương trình giáo dục thiên nhiên tại bán đảo Sơn Trà, Trung tâm GreenViet đã bước đầu đạt được mục tiêu phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học KBTTN Sơn Trà đến với người dân thành phố thông qua hình ảnh loài VCVCN. Vừa qua, Trung tâm đã kêu gọi làm sạch núi Sơn Trà qua hoạt động “Vì một Sơn Trà Xanh” huy động được hơn 500 người tham gia trong hai đợt trước Tết Bính Thân 2016. Đặc biệt, trong dịp Tết Bính Thân 2016, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã sử dụng hình ảnh VCVCN trên thư chúc tết của Chủ tịch gửi đến các đối tác, và hơn 55,000 bao lì xì với hình ảnh và thông tin về loài VCVCN đã được chuyển cho các cán bộ và nhân dân của thành phố.
Với các kết quả đạt từ các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về thiên nhiêntại cộng đồng trong thời gian qua, có thể thấy KBTTN Sơn Trà thực sự là một nơi lý tưởng để các trường học và các trung tâm giáo dục thực hiện mục tiêu giáo dục thiên nhiên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cho các hoạt động giáo dục thiên nhiên tại đây. Đó là cơ chế quản lý chồng chéo và lỏng lẻo ở KBTTN Sơn Trà đang tạo cơ hội để các hoạt động tiêu cực làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của KBTTN Sơn Trà.Hoạt động giáo dục thiên nhiên chưa nhận được sự hỗ trợ tương xứng với tiềm năng từ phía các cơ quan nhà nước. Trong thời gian tới, việc xây dựng và phát triển một Trung tâm Giáo dục thiên nhiên và môi trường tại bán đảo Sơn Trà là hết sức cần thiết. Trung tâm này sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng tìm hiểu kỹ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học của thành phố, cũng như thúc đẩy cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng.