CÁC TỔ CHỨC BẢO TỒN TẬP TRUNG THẢO LUẬN HIỆU QUẢ CÁC CHIẾN DỊCH THAY ĐỔI HÀNH VI

Trong bối cảnh nạn tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã trái phép ngày càng tăng, các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam và châu Á đang ngồi lại thảo luận với nhau về hiệu quả và các bài học kinh nghiệm trong các chiến dịch truyền thông.

Chương trình Hội thảo “Đánh giá hiệu quả các chiến dịch thay đổi hành vi, nhận thức đối với nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam” ngày 29 tháng 3 năm 2016 được tổ chức bởi Freeland dưới sự tài trợ của USAID thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức bảo tồn lớn của Việt Nam và Quốc tế như Rapid Asia, Traffic, cơ quan CITES tại Việt Nam, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học của Bộ Tài nguyên Môi trường, ENV, WAR, WCS, CHANGE, SVW. GreenViet cũng tham gia Hội thảo nhằm chia sẻ và thảo luận những bài học kinh nghiệm về các chiến dịch truyền thông bảo tồn loài Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, Đà Nẵng.

Chương trình có sự góp mặt của MC Anh Tuấn tham gia trong chiến dịch Cùng hành động tạo sự thay đổi (Operation Game Change)

Được mời phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Mỹ ông Ted Osius chia sẻ bằng tiếng Việt về nhu cầu cấp bách của việc chấm dứt các hoạt động tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép cũng như cần phải bảo vệ các loài ĐVHD cho các thế hệ tương lai. Chia sẻ về nguyên nhân cấp thiết cần phải tổ chức Hội thảo này, ông Steve Galster, giám đốc điều hành của Freeland cho rằng, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các tổ chức bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam trong thời gian qua diễn ra rất mạnh mẽ với rất nhiều ý tưởng sáng tạo và hướng đến nhiều đối tượng khác nhau; tuy nhiên nhằm tăng tính hiệu quả và tránh chồng chéo trong các hoạt động truyền thông, đã đến lúc các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam ngồi lại với nhau để đánh giá hiệu quả và chia sẻ các bài học kinh nghiệm hoặc xây dựng các chiến lược chung nhằm chấm dứt nạn tiêu thụ và buôn bán trái phép ĐVHD.

Đại sứ Mỹ, ông Ted Osius chia sẻ về nhu cầu cấp bách của việc chấm dứt các hoạt động tiêu thụ và buôn bán ĐVHD trái phép

Trong quá trình thảo luận, không chỉ có các bài học kinh nghiệm quý báu được chia sẻ nhằm đánh giá và tăng hiệu quả của các chiến dịch truyền thông như việc cần thiết phải tổ chức đánh giá với các chỉ số nhằm đưa ra được số lượng đối tượng bị tác động, và mức độ tác động đến thái độ, niềm tin và hành vi của công chúng về tiêu thụ ĐVHD. Bên cạnh đó, nhiều nỗ lực của các tổ chức bảo tồn trong các chiến dịch truyền thông đưa ra nhiều cách tiếp cận sáng tạo như Thi thiết kế logo bảo vệ tê giác, phim hoạt hình Tôi là tê giác bé nhỏ trên kênh Truyền hình Quốc hội, chiến dịch với người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng đến công chúng, v.v…
Chiều nay Hội thảo sẽ đi vào các cuộc thảo luận chuyên sâu về các chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức hiệu quả nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam.

Một số vật phẩm được trưng bày tại hội thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post