TỌA ĐÀM “CỘNG ĐỒNG ĐÀ NẴNG CHUNG TAY BẢO VỆ VOỌC Ở BÁN ĐẢO SƠN TRÀ”
Đà Nẵng chiều ngày 22 tháng 5 năm 2016, tại Hội trường thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra một buổi tọa đàm nhằm phân tích câu chuyện thành công của cộng đồng Đà Nẵng trong việc giữ sinh cảnh sống của quần thể Vọoc chà vá chân nâu.
Vọoc chà vá chân nâu từ lâu được các nhà bảo tồn dành tặng danh xưng là “nữ hoàng của các loài linh trưởng” với bộ lông 5 màu sặc sỡ. Bán đảo Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với quần thể Vọoc chà vá chân nâu có mật độ cao nhất thế giới, với khoảng 300 cá thể trên diện tích gần 4,300 hecta.
Theo ý kiến của các nhà khoa học, bán đảo Sơn Trà được xem là nơi tốt nhất và phù hợp nhất để bảo tồn thành công quần thể Vọoc chà vá chân nâu. Với đặc trưng vừa là Khu bảo tồn thiên nhiên vừa thuộc vành đai biên giới biển, bán đảo Sơn Trà nhận được sự chú ý bảo vệ của nhiều cấp chính quyền và cơ quan chức năng nên các hiện tượng săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái phép không phải là tác nhân lớn đến các loài động vật hoang dã tại đây. Hơn nữa, từ năm 2008, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có các định hướng xây dựng Thành phố Đà Nẵng là thành phố môi trường; để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, bảo vệ sự đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng là một trong các ưu tiên hàng đầu, không chỉ góp phần bảo tồn các loài động thực vật hoang dã quý hiếm và độc đáo của thành phố cho mục tiêu phát triển bền vững lâu dài, mà còn góp phần tạo hình ảnh một thành phố xanh, đẹp, văn minh và tôn trọng thiên nhiên.
Đầu năm 2016, sự việc ngôi nhà của Vọoc chà vá chân nâu bị xâm hại đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhóm cộng đồng và các cơ quan chức năng, vụ việc nhanh chóng được quan tâm giải quyết, cho thấy vai trò và giá trị của quần thể Vọoc chà vá chân nâu trong lòng người dân Đà Nẵng.
Hướng đến kỷ niệm ngày Đa dạng sinh học Thế giới 22/5 năm nay, trong bối cảnh số phận của các loài linh trưởng Việt Nam, đặc biệt là các loài Vọoc chà vá đối diện với nguy cơ tuyệt chủng ngày càng cao, đặc biệt trong Hội nghị “Kế hoạch hành động bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam” hồi tháng 3 năm 2016, các nhà bảo tồn đã thống nhất nâng mức độ nguy cấp của Vọoc chà vá chân nâu từ EN – Nguy cấp lên thành CR – cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Thế giới IUCN. Tại thành phố Đà Nẵng, hàng loạt các hoạt động, chiến dịch hướng đến loài Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà đã được thực hiện từ đầu tháng 4 năm 2016, như chương trình truyền thông bảo vệ Vọoc chà vá chân nâu ở trên chuỗi nhà chờ xe buýt dọc các tuyến đường lớn, chương trình Triển lãm ảnh “Đời sống của Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà” diễn ra tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Đà Nẵng từ ngày 17 đến 22 tháng 5, Tạp chí Non Nước tháng 5 năm 2016 cũng dành nửa số trang để đăng các bài viết khoa học về Vọoc chà vá chân nâu, v.v…
Ảnh: Chiến dịch truyền thông bảo vệ Vọoc chà vá chân nâu ở nhà chờ xe buýt
Nhằm phân tích câu chuyện thành công của cộng đồng Đà Nẵng trong việc giữ sinh cảnh sống của quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, đồng thời cập nhật các chương trình truyền thông công cộng bảo vệ Vọoc chà vá chân nâu, và đưa ra các đề xuất kiến nghị cho công tác bảo tồn quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà tốt hơn, ngày 22/5, một buổi tọa đàm với sự tham gia của đông đảo các cơ quan chức năng, đơn vị, nhà báo, nhiếp ảnh gia, các nhóm cộng đồng và các cá nhân yêu Sơn Trà sẽ là một cơ hội tuyệt vời vào ngày Đa dạng sinh học Quốc tế để cùng thảo luận về các giải pháp bảo tồn quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà.
Tọa đàm “Cộng đồng Đà Nẵng chung tay bảo vệ Vọoc ở bán đảo Sơn Trà” là một trong hàng loạt hoạt động tại Thành phố Đà Nẵng nhằm hướng về ngày Đa dạng sinh học Thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh loài Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà trở thành biểu tượng đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng. Buổi tọa đàm cùng với triển lãm ảnh “Đời sống của Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà” được tài trợ bởi nhiếp ảnh gia về thiên nhiên hoang dã Nguyễn Trường Sinh. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh đã bỏ ra gần 3 năm từ 2014 đến 2016 để chụp hàng ngàn bức ảnh phản ánh sinh động về đời sống hoang dã của loài Vọoc Chà Vá Chân Nâu tại Bán Đảo Sơn Trà. Triển lãm ảnh lần này có trưng bày gần 100 bức ảnh của ông. Sau cuộc triển lãm này tác giả sẽ triển khai biên tập và xuất bản cuốn sách ảnh về đời sống hoang dã của Vọoc Trà Vá Chân Nâu tại Bán Đảo Sơn Trà Đà Nẵng.
Kính mời quý vị đại biểu, những người yêu Sơn Trà và mong muốn bảo tồn quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà đến tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại buổi Tọa đàm.