HỘI THẢO BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN LẦN THỨ IV

Ngày 28/7/2023, Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Miền Trung và Tây Nguyên lần thứ IV” đã diễn ra tại Đà nẵng với sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức xã hội, chính quyền, trường Đại học, Viện, Trung tâm, và doanh nghiệp.
Đây là hội thảo thường niên do Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng phối hợp với các bên liên quan đồng chủ trì với chủ đề “Phát triển lâm nghiệp bền vững”, kéo dài trong 2 ngày 28, 29/7/2023 tại Hội trường khách sạn Saigontourane. Hội thảo được tổ chức bởi Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Nước Việt Xanh (GreenViet), Nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy “Môi trường & tài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) và Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (TROPENBOS). Đây là diễn đàn kết nối, cùng hợp tác, chia sẻ và chung tay hành động góp phần hiện thực hoá Chương trình phát triển lâm nghiệp của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP và thông điệp của Liên hợp Quốc về “Thập niên phục hồi sinh thái”.
Với chủ đề “Phát triển lâm nghiệp bền vững”, hơn 100 đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cho khu vực miền trung và Tây Nguyên.
Trong phiên 1 của hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền trung và Tây Nguyên như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp để thúc đẩy nâng cao hiệu quả, phát huy giá trị đa dụng của rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, mặt nước có giá trị bảo tồn; có chính sách hỗ trợ sinh kế người dân tại vùng đệm; giữ gìn và phát huy văn hóa cộng đồng với phát triển lâm nghiệp bền; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển lâm nghiệp bền vững; duy trì và nhân rộng các mô hình phục hồi rừng…
Trong phiên 2, hội thảo đã chia nhiều nhóm thảo luận và đóng góp các sáng kiến, đưa ra các mô hình phát triển thực tế tại các địa phương, từ đó có những góc nhìn đa chiều trong vấn đề phát triển lâm nghiệp bền vững.
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, với gần 12.000 loài thực vật có mạch, 330 loài thú, 918 loài và phân loài chim, 517 loài bò sát, gần 3.000 loài cá. Việc bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng ngày được quan tâm của các tổ chức quốc tế, trong đó Việt Nam là thành viên tham gia như Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước về đa dạng sinh học (UNCBD),…
Tuy nhiên với các áp lực đe dọa từ mất rừng, suy thoái sinh cảnh sống, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, sinh vật ngoại lai… đặc biệt là việc sử dụng tài nguyên không hợp lý đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật; hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% số loài thực vật và 39,3% loài động vật; phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo Danh lục Đỏ IUCN (2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng cả về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường của cả nước; là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, du lịch. Rừng khu vực miền Trung và Tây Nguyên có giá trị đa dạng sinh học cao, gắn liền với đời sống đồng bào các dân tộc, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng và khu vực lân cận. Đến 31/12/2022, diện tích rừng khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 8,18 triệu ha (chiếm 55,3% diện tích rừng của cả nước). Trong đó: (i) có 5,87 triệu ha rừng tự nhiên, 2,31 triệu ha rừng trồng; (ii) Diện tích rừng khu vực miền Trung là 5,61 triệu ha, diện tích rừng khu vực Tây Nguyên là 2,57 triệu ha; (iii) tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung đạt 54,22%, Tây Nguyên đạt 46,32%.
Trước những cơ hội và thách thức như đề cập trên, Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên” lần thứ IV cùng nhau thảo luận nhằm trả lời các câu hỏi sau:
1. Để phát triển lâm nghiệp bền vững ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần những chính sách nào? và cần làm gì để các Chính sách ấy ra đời và đi vào cuộc sống?
2. Để góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần có những sáng kiến gì?
3. Có những nguồn tài chính nào có thể tiếp cận để phát triển lâm nghiệp bền vững cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên?
4. Cần làm gì để phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho phát triển lâm nghiệp bền vững ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên?
Theo PGS.TS. Võ Văn Minh, trưởng nhóm DN-EBR – người đề dẫn: “Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên chính là diễn đàn chia sẻ tri thức và kết nối nguồn lực; cùng nhau kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn và bền vững hơn. Mỗi khi tất cả cùng nhận thức về con đường phía trước một cách rõ ràng, sẽ cùng hành động một cách đồng điệu và sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Phát triển bền vững là sự phát triển kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Đó cũng chính là mục tiêu chung của toàn nhân loại và của đất nước Việt Nam”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post