50 CÁ THỂ VOỌC CHÀ VÁ CHÂN XÁM TẠI QUẢNG NAM SẼ ĐƯỢC BẢO TỒN TRONG THỜI GIAN ĐẾN
Hơn 50 cá thể Voọc Chà vá Chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam nhanh chóng tìm cách để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, đàn Voọc Chà Vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã được phát hiện và theo dõi từ năm 2000. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết lạnh vào mùa mưa, khiến cho con non thường chết cóng và đặc biệt là khu vực sinh sống đang bị thu hẹp dần vì tình trạng người dân địa phương lấn rừng để lấy đất sản xuất; Bị chia cắt bởi những rừng keo, dẫn đến sự sinh trưởng, phát triển và nguồn thức ăn của đàn Voọc bị thu hẹp. Chính những tác động đó dẫn đến nguy cơ diệt vong loài Voọc Chà Vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ này là rất cao.
Ngày 16,17/7/2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức “Hội thảo tham vấn Đề án Bảo tồn loài Chà vá Chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam” nhằm thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia củng cố hoàn thiện bản đề án bảo tồn chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây. Trước đó, buổi thực địa tham quan tìm hiểu, khảo sát và thu thập thông tin đã được tổ chức tại khu vực núi Hòn Dồ, thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh đã có mặt chủ trì buổi hội thảo. Đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ giúp UBND tỉnh Quảng Nam hoàn thiện phương án triển khai phù hợp trong công tác bảo tồn Voọc Chà vá Chân xám và phát triển sinh kế của người dân trong thời gian tới.
Tại Hội thảo tham vấn “ Đề án Bảo tồn loài Chà vá Chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam” vào chiều ngày 17.7.2019, ông Lê Trí Thanh đánh giá cao sự quan tâm của các đại biểu về vấn đề này. Ông Thanh cho biết để giải quyết vấn đề hiện nay của đàn Voọc ở Tam Mỹ Tây thì phải đặt trong bối cảnh, mối quan hệ và sự phát triển của cả khu vực đó bởi vì việc bảo tồn có ý nghĩa sâu xa hơn là việc cân bằng sinh thái trong tình hình biến đổi khí hậu. Vooc hiện đang ở trong môi trường sinh thái tốt, gần Núi Chúa, gắn với quần thể đa dạng sinh học; Chính vì thế, tỉnh đang nỗ lực hết sức để giữ được môi trường sinh thái của khu vực bởi vì khi mất đi thì khó có thể tìm lại được.
Một số ý kiến được đề cập đến như thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh dựa vào cộng đồng, và cần sự tham gia hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế; Thống nhất chủ trương của tỉnh về vùng dự án là tài sản địa phương cần được gìn giữ được đưa vào vùng quy hoạch để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo; Nhận thức rõ việc Voọc là linh trưởng quý hiếm cần được bảo tồn gắn liền với quan điểm nông thôn mới; Có các phương án phòng cháy chữa cháy trong vấn đề đốt rừng keo của người dân; Các phương án bảo vệ được cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm, quyền lợi cho các tổ bảo vệ rừng, cộng đồng, kiểm lâm; Thu giữ những súng tự chế, cấm các hành động xâm hại đến khu vực đang được bảo tồn; Hỗ trợ kinh phí và công cụ dụng cụ cho như quần áo, đèn pin, tiền điện thoại khi thành lập các tổ bảo vệ rừng cộng đồng; Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức bằng việc thành lập trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên
Voọc Chà Vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix Cinerea. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và Thế giới. Tại Việt Nam, loài này chỉ phân bố tại khu vực miền Trung ở các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định,…Quảng Nam được xem là giới hạn phía bắc cuối cùng của nước ta có phân bố loài Voọc Chà Vá chân xám.