GREENVIET THAM GIA ĐÀO TẠO THẾ HỆ BẢO TỒN LINH TRƯỞNG TƯƠNG LAI

Trong tháng 9, GreenViet sẽ tham gia giảng dạy lý thuyết và kĩ năng thực địa trong Khóa tập huấn Bảo tồn thú Linh trưởng Việt Nam 2017 cho 20 sinh viên có tiềm năng trở thành nhà bảo tồn linh trưởng tương lai.

Được đồng tổ chức bởi Hội động vật học Frankfurt và Khoa Sinh – Môi trường, Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay, Khóa tập huấn Bảo tồn thú Linh trưởng Việt Nam 2017 sẽ có sự tham gia giảng dạy lần thứ 6 liên tiếp của các nhà nghiên cứu từ trung tâm GreenViet.

Ông Trần Hữu Vỹ (giám đốc GreenViet – bên phải ảnh), và các nhà nghiên cứu khoa học khác từ GreenViet sẽ trực tiếp hướng dẫn sinh viên trong khóa tập huấn.

Là chính những người đã tham gia Khóa tập huấn trong quá khứ để có thể trở thành nhà bảo tồn ngày hôm nay, cộng thêm với chuyên môn của mình trong mảng nghiên cứu về linh trưởng và kĩ năng thực địa dày dặn, GreenViet quay trở lại đóng góp Khóa tập huấn với tư cách là những người hướng dẫn và đào tạo cho thế hệ các nhà bảo tồn trẻ của tương lai.

Với mục đích nhằm xây dựng năng lực cho các nhà bảo tồn trẻ, đặc biệt tập trung vào bảo tồn thú linh trưởng tại Việt Nam, khóa tập huấn thường niên này sẽ tăng cường các kỹ năng nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn cho sinh viên, thông qua việc cung cấp các kiến thức về bảo tồn thú linh trưởng và các kỹ thuật nghiên cứu ngoài thực địa.

Anh Trần Ngọc Toàn, chuyên viên nghiên cứu thực vật của GreenViet, hướng dẫn học sinh định danh thực vật ngoài thực địa

Với sự thành công từ những năm trước, năm nay khóa tập huấn dự kiến sẽ tuyển chọn 20 học viên tham gia trong hơn 300 hồ sơ đăng ký của sinh viên các ngành khác nhau trên khắp cả nước. Sinh viên tham gia sẽ được nhận sự hướng dẫn trực tiếp từ các nhà nghiên cứu của GreenViet, các chuyên gia từ Hội động vật học Frankfurt và Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp, cán bộ VQG KKK và giảng viên Khoa sinh MT – ĐHSP, ĐHDN. Trong số đó có Ths.Trần Hữu Vỹ (giám đốc GreenViet), Ông Bùi Văn Tuấn (trưởng phòng nghiên cứu GreenViet), , Tiến sĩ Hà Thăng Long (HĐVH Frankfurt), và ông Tilo Nadler – chuyên gia về linh trưởng với hơn 20 năm làm công tác bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam.

Cả đoàn sẽ sinh hoạt chung trong một căn nhà sàn thường được gọi là “lán nghiên cứu” cách cổng rừng chừng 1 tiếng rưỡi đi bộ.

Trong khóa tập tuấn kéo dài mười ngày này, những bạn sinh viên trẻ có niềm đam mê với thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sẽ có cơ hội để được tập huấn bởi GreenViet về nhiều chủ đề đa dạng khác nhau như kiến thức về linh trưởng và bảo tồn, các phương pháp nghiên cứu và phỏng vấn, kĩ năng sử dụng thiết bị nghiên cứu và kĩ năng làm việc tại thực địa. Sinh viên tham gia sẽ áp dụng những kiến thức lý thuyết được học trong 3 ngày đầu tiên vào thực hành tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai, trong 6 ngày sinh hoạt và làm việc như một nhà nghiên cứu linh trưởng tại thực địa thực thụ.

Không chỉ được nhận sự hướng dẫn trong khóa tập huấn kéo dài mười ngày, học viên được hỗ trợ xây dựng ý tưởng và thực hiện nghiên cứu, hoạt động truyền thông bảo tồn sau khóa tập huấn.

Những hoạt động như phỏng vấn cộng đồng, soi đêm nghiên cứu culi, tìm dấu vết và quan sát voọc, được sinh hoạt và làm việc giữa rừng nguyên sinh khổng lồ dưới sự hướng dẫn kèm cặp trực tiếp từ các chuyên gia của GreenViet và Hội động vật học Frankfurt đều là những trải nghiệm thú vị và khó quên nhất đối với những người tham gia trẻ tuổi trong các khóa tập huấn trước.

Đối với nhiều bạn trẻ, đây là lần đầu tiên các bạn được bỏ lại lớp học lý thuyết sau lưng để trải nghiệm thực tế công việc thực địa tại một khu rừng nguyên sinh thực sự

Đây cũng là cơ hội hiếm có để những bạn sinh viên trẻ còn chập chững trên con đường xác định phương hướng sự nghiệp liên quan đến bảo tồn của mình được truyền cảm hứng và nhiệt huyết từ thế hệ các nhà bảo tồn đi trước qua những câu chuyện và chia sẻ gần gũi trong suốt khóa tập huấn.

Ông Tilo Nadler, chuyên gia bảo tồn linh trưởng Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm và các bạn sinh viên của khóa tập huấn năm 2011

Từ năm 2006 tới nay, Khóa tập huấn đã đào tạo cho 200 sinh viên đa phần đến từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, trong số đó có 18 sinh viên có khóa luận tốt nghiệp đạt xuất sắc về thú linh trưởng; làm bàn đạp cho 11 sinh viên có công việc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và 7 sinh viên có sự nghiệp liên quan tới bảo tồn linh trưởng.

Khóa Tập huấn Bảo tồn Thú linh trưởng là một trong số nhiều dự án và hoạt động nghiên cứu bảo tồn mà GreenViet phối hợp thực hiện cùng Hội động vật học Frankfurt từ khi GreenViet chính thức đi vào hoạt động vào năm 2012 tới nay. Ngoài chương trình tập huấn, GreenViet là đối tác hỗ trợ thực hiện dự án bảo tồn voọc chà vá chân xám của Hội động vật học Frankfurt tại vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post