HẬU HỘI THẢO: NHỮNG ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP CHO BÁN ĐẢO SƠN TRÀ
Hội thảo ngày 15/7 về Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà đã kết thúc với rất nhiều đề xuất, góp ý và giáp pháp được hiến kế để gìn giữ và bảo tồn Sơn Trà cho thế hệ mai sau.
Tiến sĩ Hà Thăng Long, chủ tịch hội đồng sáng lập GreenViet, là đại diện của GreenViet tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo lần này. Bài tham luận của ông cập nhật hiện trạng voọc chà cá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà đã cung cấp nhiều thông tin khoa học rất giá trị cho những nhà khoa học, nhà báo và các nhà các đại biểu từ cơ quan nhà nước lấy làm cơ sở để có một cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gien và bảo tồn loài voọc này.

Cụ thể, TS Long cho biết quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà có đến hơn 1300 cá thể theo số liệu nghiên cứu của GreenViet, là quần thể duy nhất có thể quan sát dễ dàng loài voọc này ngoài tự nhiên. Bán đảo Sơn Trà là sinh cảnh lý tưởng và bền vững cho loài voọc nguy cấp nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới này được mình chứng qua việc nhiều con non đã được ghi nhận tại đây. Chính vì vậy, “khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà đóng vài trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gien và loài trước nguy cơ tuyệt chủng”, TS Long nhấn mạnh.

TS Long tiếp tục phân tích những rủi ro và hiểm nguy với loài voọc khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát trên bán đảo Sơn Trà bao gồm: tai nạn giao thông giữa người và voọc, nguy cơ gia tăng nạn săn bắt, mất môi trường sống do các dự án xây dựng và nguy cơ lây dịch bệnh từ người sang voọc và ngược lại qua việc cho động vật ăn.
Từ những yếu tố trên, TS Long đề xuất xây dựng Hành lang xanh kết nối quần thể voọc chà vá chân nâu phía Đông và phía Tây bán đảo Sơn Trà để chúng có thể dễ dàng và an toàn di chuyển giữa hai vùng của bán đảo. “Cần xây dựng và thực hiện chương trình giám sát loài Voọc chà vá chân nâu và nâng cao hiệu quả của hoạt động tuần tra bảo vệ rừng”, TS Long cho biết những phương án này sẽ bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu cũng như các loài động vật khác trên Sơn Trà được tốt hơn.

Ngoài ra, tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan có kiểm soát, giảm xây dựng đặc biệt là khu vực phía Bắc bán đảo, và tiếp tục tổ chức các chương trình giáo dục về loài voọc chà vá chân nâu đều là những biện pháp góp phần bảo tồn quần thể voọc chà vá chân nâu quan trọng tại bán đảo Sơn Trà.
Sau đây là những thông tin, ý kiến và đề xuất của các đại biểu tham dự hội thảo khác.
Tiến sĩ Lưu Hồng Trường khẳng định bán đảo Sơn Trà cùng hệ sinh thái của nó là một phần không thể tách rời của một thành phố đáng sống như Đà Nẵng. Cụ thể, chỉ với 4.300 ha mà Sơn Trà có 43 trong tổng số hơn 1000 loài thực vật nằm trong danh mục thực vật quý hiếm, và 24 trong tổng số 370 loài động vật nằm trong danh sách động vật quý hiếm. Chính vì mức độ động thực vật quý hiếm trên một diện tích rất nhỏ như vậy mà Sơn Trà cần tiếp tục được bảo tồn và gìn giữ.

Có đến 42% diện tích rạn san hô đã biến mất trong vòng 10 năm trở lại đây và độ phủ san hô cũng giảm nghiêm trọng, có nơi gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Đây là báo cáo của thạc sỹ Nguyễn Xuân Hòa về hiện trạng của đa dạng sinh học vùng ven biển Sơn Trà. Những yếu tố tác động có thể kể tới việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản quá mức đóng vai trò chủ yếu. Rác thải, ô nhiễm môi trường do các hoạt động từ các khu đô thị, đánh bắt hải sản, nhà hàng, du lịch là những đe dọa tiềm tàng đối với sự tồn tại của các rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà.

“Đây là khu bảo tồn duy nhất trên thế giới mà ai cũng có thể vào được”, tiến sĩ Vũ Ngọc Thành nhận xét và cho rằng cần có quy chế bảo vệ đối với vùng lõi của khu bảo tồn tại những khu vực voọc chà vá chân nâu sống và kiếm ăn. Tiến sĩ Thành cho rằng cần hết sức thận trọng với mọi tác động tới môi trường tới khu vực có độ cao dưới 200m so mực nước biển vì đây là nơi tập trung rất đông voọc chà vá chân nâu.

PGS.TS Nguyễn Văn Tập sau khi phân tích về sự đa dạng các cây dược liệu, cây thuốc tại Sơn Trà đã đề xuất lồng ghép kết hợp du lịch sinh thái để tìm hiểu và tham quan các cây dược liệu quý của Sơn Trà. Từ đó, khi khách du lịch và người dân nhận biết được Sơn Trà là một kho tàng thiên nhiên về nguồn gien thực vật và cây thuốc, họ sẽ tránh những hoạt động khai thác hay phá hoại thực vật tại đây. PGS.TS nhấn mạnh việc bảo tồn cây thuốc là một vấn đề đạo đức bởi đây là trách nhiệm của người hôm nay đối với con cháu mau sau.
Tiến sĩ Lê Khắc Quyết, chuyên gia linh trưởng, cho rằng với 3 loài mà Việt Nam đang có trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên toàn thế giới, đây là trách nhiệm nặng nề đối với đất nước và thế giới.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ luận điểm của ông về những giá trị vô hình, tâm linh, ngoại giao, nhân văn và nghệ thuật bán đảo Sơn Trà đóng góp cho xã hội một khi nó được bảo tồn và gìn giữ. Ông lấy ví dụ về cách mà các đô thị lớn trên thế giới đều có một khu rừng hoặc công viên ở gần để người dân có thể được “chữa bệnh” khi đến thăm. Qua việc cải thiện chất lượng cuộc sống tâm linh khỏi căng thẳng của công việc và cuộc sống, người dân có thể quay lại làm việc và đóng góp nhiều hơn cho xã hôi.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng, đề xuất không khai thác dịch vụ lưu trú tại Sơn Trà, mà chỉ phát triển các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường như đạp xe, cắm trại, lặn biển, đi bộ xuyên rừng, dù lượn, câu cá… Nếu làm bảo tồn được nguyên trạng Sơn Trà hoang dã thì Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận cho biết Sơn Trà còn cần ưu tiên bảo tồn vì nhiều loài động thực vật khác ngoài voọc chà vá chân nâu. Ông cho rằng việc xây dựng phát triển Sơn Trà sẽ phá hủy hệ sinh thái của bán đảo, và hậu quả là dù chi ra bao nhiêu tiền cũng không thể khôi phục lại được. Vì vậy ông đề xuất việc phát triển dịch vụ du lịch không lưu trú tại Sơn Trà.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) đề xuất việc hình thành Khu dự trữ sinh quyển Hải Vân – Sơn Trà. Để Sơn Trà trở thành khu dự trữ sinh quyển, bán đảo này sẽ phải đảm bảo được 3 tiêu chí về chức năng của nó bao gồm: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Khi trở thành khu dự trữ sinh quyển, Sơn Trà sẽ khẳng định được vị thế và thương hiệu trong phạm vi quốc gia và quốc tế, giúp nâng cao nhận thức người dân và giúp cho việc bảo tồn hiệu quả và hài hòa hơn khi những phương án phát triển phải dựa vào những nguyên tắc nhất định của khu dự trữ sinh quyển.

PGS.TS Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm, đại học Đà Nẵng, khẳng định rằng “bê tông hóa” Sơn Trà sẽ dẫn tới nhu cầu sử dụng nước tại Sơn Trà quá mức. Hậu quả của việc này sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ở Sơn Trà, ảnh hưởng tới không chỉ khách du lịch, người dân địa phương mà còn tới tất cả thực động vật sống tại Sơn Trà.

Ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Đà Nẵng, tán thành việc bảo tồn và giữ nguyên hiện trạng của bán đảo Sơn Trà. “Thiếu kim cương, thiếu ô tô thì không chết, nhưng thiếu nguồn nước và không khí thì chắc chắn sẽ chết. Đó chính là giá trị nhân văn của hội thảo này”, ông chia sẻ.

TS. Huỳnh Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục bảo tồn Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT, đã tham dự hội thảo với mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, tổ chức và hiệp hội để tìm ra một phương án tối ưu cho việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà. Tất cả những ý kiến và đề xuất của hội thảo sẽ được báo cáo tới lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường để có những tham mưu có cơ sở khoa học trước Chính phủ.

“Đà Nẵng là một địa phương năng động, sáng tạo, có nhiều cách để kiếm ra tiền, còn chặt rừng Sơn Trà đi tôi đảm bảo không trồng lại lên được”, ông Ông Trần Văn Mùi khẳng định. Ông cũng cho rằng nếu giữ được sự đa dạng sinh học phong phú của Sơn Trà, Đà Nẵng sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch tới.

Ông Hồ Duy Diệm đề xuất cần ngay lập tức yêu cầu xử lý vấn đề bùn trôi xuống biển làm ô nhiễm biển và san hô.

Sau hội thảo, ban tổ chức sẽ gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc học, UBND Đà Nẵng tóm tắt nội dung cuộc họp cũng như các đề xuất, kiến nghị để bảo tồn sự đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà.