HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN XÃ HÒA PHÚ TRỒNG HƠN 15HA RỪNG CÂY GỖ LỚN THAY THẾ CÂY KEO

Ngày 25-9, tại nương rẫy của ông Thiều Song ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp với UBND xã Hòa Phú tổ chức lễ phát động trồng 15,07ha rừng gỗ lớn từ 20.539 cây giống do Tổ chức EcoCulture tài trợ, được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tiếp nhận dự án tài trợ tại Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 7-2-2024.

Theo đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh  đã bàn giao 20.539 cây giống thuộc các loài: sao đen, sưa đỏ, lát hoa, giáng hương và lim xanh cùng 100 cây xanh phân tán cho người dân tại xã Hòa Phú chuyển đổi cây trồng từ cây kéo lá tràm sang trồng rừng gỗ lớn, phủ xanh các đồi trọc.

Bên cạnh đó, Trung tâm GreenViet hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, giúp người dân có điều kiện phát triển rừng sản xuất và kinh tế lâm nghiệp trên diện tích nương rẫy của mình kết hợp phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển mô hình vườn – rừng…

Việc chuyển đổi trồng rừng sản xuất từ cây keo lá tràm sang trồng cây gỗ lớn giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tầng mặt đất, như: xói mòn, sạt lở đất… và góp phần cải thiện môi trường.

Ông Thiều Song, người dân thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú cho biết, được sự vận động của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cùng GreenViet, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn ở khu vực nương rẫy có độ dốc cao, còn ở dưới chân đồi thì trồng cây keo lá tràm với tốc độ sinh trưởng nhanh chóng để làm “tường chắn mềm”, không chỉ góp phần chống sạt lở đất, bảo vệ diện tích sản xuất và tài sản của nhà nước, nhân dân ở dưới, mà còn được “lấy ngắn nuôi dài”, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Huỳnh Tấn Sinh, sau 5 năm vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, trên địa bàn xã Hòa Phú đã có khoảng 200ha đã được chuyển đổi trồng rừng sản xuất từ cây keo lá tràm sang cây gỗ lớn.

Qua thời gian thực hiện cho thấy, các loài cây bản địa như: sao đen, lát hoa… sinh trưởng tốt. Mặc dù việc trồng cây gỗ lớn mới được bắt đầu, chưa mang lại lợi ích về kinh tế, nhưng về lâu dài sẽ là hướng phát triển bền vững cho lâm nghiệp địa phương.

Ông Thái Văn Quang, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đề nghị các đơn vị, địa phương cần quan tâm đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việc trồng các rừng gỗ lớn với cây giống bản địa thì có chu kì thu hoạch dài từ 15-20 năm, nhưng sẽ mang lợi ích kinh tế và sinh kế lớn, mà cũng giúp hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi và sạt lở đất, nên cần nhân rộng mô hình trồng cây gỗ lớn thay thế cây keo cây lá tràm.

Trước đó, trong năm 2023, được sự tài trợ của Tổ chức EcoCulture, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cùng Green Việt phối hợp với chính quyền địa phương chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật trồng 20.000 cây thuộc các giống cây gỗ lớn cho các hộ dân tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) để trồng 18,1ha rừng, góp phần chống xói mòn, sạt lở đất và bảo vệ môi trường, sinh thái, hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post