HỘI THẢO BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI KHU VỰC MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN LẦN THỨ V

Trong 2 ngày 26,27/7/2024, Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V” được diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức xã hội, chính quyền, trường Đại học, Cao đẳng, các viện, trung tâm, doanh nghiệp và cộng đồng.

Hội thảo quy tụ hơn 120 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia

Hội thảo lần này đồng tổ chức bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà NẵngTrung tâm GreenViet với chủ đề “Bảo tồn biển”, đây là diễn đàn cùng kết nối ,hợp tác, chia sẻ và hành động góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” (trong đó có mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích các khu bảo tồn biển đạt tối thiểu 6%) và Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (trong đó có mục tiêu thành lập và hoạt động hiệu quả 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; 149 khu vực ở vùng biển được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản).

Ông Nguyễn Đình Phúc – PCT Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực duyên hải miền Trung nói riêng đang còn nhiều hạn chế và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người. Do vậy, hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức trong, ngoài nước và cộng đồng bàn thảo, đề xuất giải pháp, đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển của khu vực duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hội thảo lần này được tổ chức với sự tham gia tài trợ của Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (Conservation Vietnam)

Tại phiên thứ nhất, các đại biểu đã tham gia trình bày các vấn đề liên quan đến bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển bền vững, tập trung vào 5 vấn đề quan trọng như: Quy hoạch không gian biển và phát triển kinh tế biển ở Việt Nam; Quy hoạch bảo tồn biển Việt Nam; OCEM – Cơ hội mới cho bảo tồn biển ở Việt Nam; Kinh nghiệm về bảo tồn biển gắn với phát triển du lịch; Những vấn đề cần quan tâm đối với Bảo tồn biển và vùng bờ tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội khóa XV, PCT Thường trực Hội Thủy sản Việt Namcho biết, việc mở rộng “vùng xanh” sẽ có tính khả thi nếu quyết tâm thực hiện hóa các quy định của pháp luật quốc gia và quốc tế

Tại đây, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, “Riêng không gian bảo tồn, Quy hoạch không gian biển quốc gia đã bố trí không gian để đáp ứng đến 2045 đạt mục tiêu 6% diện tích vùng biển quốc gia được bảo tồn. Bằng cách thay đổi nhận thức, tầm nhìn, cách tiếp cận, quyết tâm hiện thực hóa các quy định của pháp luật quốc gia, quốc tế, thì việc mở rộng vùng xanh (vùng biển được bảo tồn) sẽ có tính khả thi. Quy hoạch không gian biển quốc gia cũng là bước cụ thể hoá, hiện thực hóa tư tưởng của chiến lược biển, bảo đảm gắn phát triển kinh tế với an ninh, chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh – Trưởng phòng Quản lý Di sản thiên nhiên Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trình bày tham luận tại hội thảo

Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) chia sẻ, Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia CBD đã thông qua Khung đa dạng Sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, trong đó có mục tiêu 30×30 vào năm 2030. Cụ thể, 30% diện tích đất liền và biển được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn (OECM). Đây là cơ cơ hội mới để bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, trong đó bảo tồn biển.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư cho biết cần tăng quy mô, diện tích các khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT cho biết: Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người. Cần tăng quy mô, diện tích các khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Đây là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Đặng Thị Thu Trang, đại diện Chi cục Thủy sản Đà Nẵng trình bày tham luận tại hội thảo

Bà Đặng Thị Thu Trang, đại diện Chi cục Thủy sản Đà Nẵng thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 389/QĐ-TTg (9/5/2024), phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định 389/QĐ-TTg). Trong đó, Bán đảo Sơn Trà được quy hoạch là Khu bảo tồn cấp tỉnh thành lập mới, phân hạng bảo tồn loài – sinh cảnh với diện tích 4.450 ha; Khu vực ven bờ Ngũ Hành Sơn với diện tích 975 ha là khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản; Khu vực vùng biển phía Nam Bán đảo Sơn Trà với diện tích 6.655 ha là khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Tuy nhiên việc thực hiện Quyết định 389/QĐ-TTg vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa đồng bộ trong các quy hoạch liên quan.

Ông Nguyễn Dinh – Tổ trưởng Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang chia sẻ mong muốn thành lập KBT biển tại Sơn Trà

Đối với vấn đề thành lập KBT biển tại Bán đảo Sơn Trà, ông Nguyễn Dinh- Tổ trưởng Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang (Sơn Trà) cũng chia sẻ rằng rất ủng hộ thành phố thành lập KBT biển để, bên cạnh đó nên khuyến khích ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và mong muốn được hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho bà con vừa làm bảo tồn vừa phát triển kinh tế ổn định.

Các đại biểu có 5 phiên thảo luận chung để đưa ra các vướng mắc, giải pháp và khuyến nghị về chính sách bảo tồn biển, phát triển bền vững

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã có 5 phiên thảo luận chung với các nội dung xoay quanh về mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với công tác bảo tồn tại miền Trung; định hướng và giải pháp thành lập KBT biển tại Đà Nẵng; thực trạng và giải pháp bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Đà Nẵng; Bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển KBT biển Cù Lao Chàm; chương trình phát triển LHQ với các dự án bảo tồn biển tại Việt Nam và Thông qua dự thảo Kiến nghị chính sách đối với Trung ương và địa phương về công tác bảo tồn biển. Các đại biểu đã nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến và đưa ra các khuyến nghị về chính sách, giải pháp giúp các địa phương làm tốt nhiệm vụ bảo tồn biển đồng thời giúp người dân địa phương phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng chủ trì tại phiên thảo luận

PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng chủ trì phiên thảo luận nhấn mạnh: “Biển của Việt Nam rất quan trọng. Cần phải có một sự nỗ lực lớn để hiện thực hóa mục tiêu 30×30 và mở rộng diện tích bảo tồn biển lên 6% (hiện nay đang dưới 1,75%).  Thực hiện bảo tồn biển hướng đến phát triển bền vững cần huy động nguồn lực lớn từ xã hội, nguồn nhân lực trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức cùng tham gia thực hiện. Diễn đàn lần này rất mong sẽ kết nối các bên liên quan cùng nhau thảo luận, trên cơ sở đó có một số khuyến nghị đến các bên liên quan sau hội thảo”.

Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp ký kết hợp tác với 4 đơn vị hợp tác xã nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, học tập và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học

Kết thúc hội thảo, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Sư phạm – Đại học  Đà Nẵng đã tiến hành ký kết hợp tác với các đơn vị: HTX Du lịch cộng đồng Hòa Bắc, TP. Đà Nẵng; HTX Du lịch cộng đồng Cẩm Kim – TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam; HTX Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái – Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; HTX Muối Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Việc ký kết nhằm đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, giáo dục đào tạo và phát triển hiệu quả của các đơn vị. Đây cũng là một minh chứng cùng hành động để bảo tồn đa dạng sinh học mà hội thảo đã đặt ra.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post