HỘI THẢO QUỐC TẾ: BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN

Hội thảo quốc tế lần thứ I về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Miền Trung – Tây Nguyên ngày 21/7 tại Đà Nẵng sẽ quy tụ 150 chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau thảo luận các bài học phát triển du lịch sinh thái tại VQG và KBT

Đà Nẵng, thứ 7 ngày 21 tháng 7 năm 2018. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (LHH KHKT) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) đồng tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, lần thứ nhất với chủ đề năm 2018 “Bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên” nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch tại các hệ sinh thái tự nhiên, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển bền vững phù hợp cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Vùng Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Thanh Hóa tới Bình Thuận). Phía Tây bao bọc bởi núi cao chạy giáp biên giới Lào, Campuchia, phía Đông giáp biển Đông và là vùng có nhiều tỉnh giáp biển nhất. Đặc thù địa lý này đã góp phần hình thành nên trung tâm đa dạng sinh học của tiêu biểu của Việt Nam, là nơi lưu trữ các giá trị thiên nhiên độc đáo, quan trọng, với các hệ sinh thái rộng lớn, đặc thù, tính đa dạng sinh học cao và sinh cảnh sống chính của nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này đối diện với nhiều thách thức lớn, mang tính khu vực, do ảnh hưởng của việc phát triển thủy điện, áp lực săn bắn động vật hoang dã, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gia tăng dân số, tập quán du canh, du cư… Bên cạnh đó, việc phát triển các hoạt động du lịch thiếu kiểm soát đã tạo ra không ít rủi ro, thách thức cho công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học của khu vực. Không thể phủ nhận vai trò đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương của các hoạt động du lịch sinh thái, điển hình như tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, VQG Yok Đôn (Đăk Lăk), Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng)…Tuy nhiên mô hình phát triển du lịch sinh thái vừa hài hòa được giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả bảo tồn lâu dài nguồn được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn ở khu vực Bắc Trung Bộ UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học; tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của khu vực vẫn còn đang bỏ ngỏ. 

Trong bối cảnh đó, để góp phần giải quyết bài toán hóc búa về du lịch gắn liền bảo tồn, lần đầu tiên một hội thảo quốc tế quy tụ 150 chuyên gia từ những lĩnh vực khác nhau bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, các trường đại học, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ được tổ chức, tạo cơ hội cho thảo luận và đưa ra những sáng kiến quyết định tương lai của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Chủ đề 2018 là diễn đàn chia sẻ bài học kinh nghiệm về du lịch tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên; thảo luận các vấn đề liên quan đến áp lực của du lịch lên bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG, Khu BTTN; và tham vấn đa bên nhằm đề xuất các mô hình du lịch sinh thái phù hợp cho các VQG, khu BTTN để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Không dừng lại ở lý thuyết, hội thảo tạo cơ hội cho các đại biểu trải nghiệm hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà trong sự kiện bên lề vào sáng 22/7. Một tập san tập hợp khoảng 30 bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện hoạt động du lịch trong các VQG, KBT sẽ được gửi tới các VQG và KBT để tham khảo. Thư khuyến nghị sau hội thảo và Tập san cũng sẽ được gửi đến Hội đồng nhân dân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên trước kỳ họp HĐND cuối năm để khuyến cáo về các thành công và thất bại trong tổ chức hoạt động du lịch tại VQG và KBT. Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức, GreenViet thực hiện đúng vai trò của một tổ chức dân sự và sứ mệnh của tổ chức đó là “Chia sẻ tài liệu cho cơ quan chức năng của nhà nước trong tiến trình hoạch định chính sách nhằm bảo vệ tốt đa dạng sinh học, môi trường của quốc gia và thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu”.

Thuế Sinh thái tại Balearic – Tây Ban Nha hướng tới du lịch bền vững là một trong những bài tham luận được trình bày tại hội thảo

Một số chuyên gia quốc tế sẽ tham gia thảo luận trong Hội thảo như PGS TS Miki Yoshizumi, PGS TS Yoshika Yamamoto, TS David Saiia, TS Josh Kempinski, Ông Mathieu Maurice Forgeois. Chín (09) bài tham luận trình bày những sáng kiến, mô hình, giải pháp và khuyến nghị về du lịch sinh thái gắn liền bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sau đây sẽ được thảo luận tại hội thảo:

1/ Du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam – Tiềm năng, thách thức và giải pháp

Ông Lê Văn Lanh & Bùi Xuân Trường, Hiệp hội VQG và Khu BTTN Việt Nam

2/ Du lịch bền vững và bảo tồn thiên nhiên – Luật xúc tiến Du lịch Sinh thái Nhật Bản

PGS.TS Yoshika Yamamoto, St.Agnes’ University, Nhật Bản

3/ Thuế sinh thái ở Balearic – Tây Ban Nha hướng đến du lịch bền vững

PGS.TS Miki Yoshizumi, Ritsumeikan University, Nhật Bản

4/ Một số khuyến nghị trong phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên

Ông Huỳnh Văn Kéo, Nguyên giám đốc VQG Bạch Mã, Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế

5/ Du lịch sinh thái ở miền Trung và Tây Nguyên – Lý thuyết và thực tiễn

Ông Nguyễn Minh Đạo – Đại học Lâm nghiệp Việt Nam

6/ Mô hình du lịch sinh thái tại VQG Yok Đôn – Trải nghiệm cùng Voi

Ông Vũ Đức Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ, VQG Yok Đôn

7/ Công ty Oxalis với phát triển du lịch bền vững tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình

Ông Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

8/ Bài học của phát triển du lịch đến công tác bảo tồn ĐDSH và giá trị văn hóa bản địa tại khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An

Ông Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An

9/ Một số đánh giá ban đầu về cơ hội tài chính từ phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên bền vững ở Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

Ông Nguyễn Việt Dũng – PGĐ Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Ngoài các bài tham luận, hội thảo sẽ dành thời gian 3 tiếng cho phiên thảo luận, tạo cơ hội cho đại biểu được đặt câu hỏi, chia sẻ ý kiến và những thắc mắc xoay quanh chủ đề của hội thảo. 

Hội thảo mở cửa tự do vào buổi chiều cho những cá nhân quan tâm tới tương lai của Sơn Trà nói riêng và tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển bền vững của Miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Để đăng ký tham gia phiên hội thảo buổi chiều, mời bạn ấn vào đường link sau đây: https://docs.google.com/forms/d/1MYAkTHGvUNWg6aOcNKmHTeyyb0IucqJuAZg3Z7sI7kw/edit

Để theo dõi hội thảo thông qua video livestream, mời bạn vào trang Facebook của GreenViet từ lúc 8.00-17.00 ngày 21/7. 

————–

Để có thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Bà Lê Thị Trang – Phó Giám đốc phụ trách truyền thông

Số điện thoại: 0989 875 476

Email: lethitrang@greenviet.org

Hình ảnh, thông tin được cập nhật liên tục trên trang: https://www.facebook.com/greenvietcenter/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post