KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ

Sơn Trà là bán đảo nằm ở Đông Bắc thành phố Đà Nẵng, có diện tích 4.370 ha, đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà từ năm 1977 (theo quyết định số 41/TTG ngày 24.1.1977) của thủ tướng chính phủ.

Có thể nói Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh gìn giữ môi trường trong lành cho thành phố Đà Nẵng mà còn là nguồn tài nguyên nước phong phú, là nơi có hệ thống thảm thực vật rừng và động vật rừng phát triển tốt. 

1.  Điều kiện tự nhiên

  • Vị trí địa lí và địa hình: Bán đảo Sơn Trà có tọa độ địa lí: Kinh độ Đông từ 108012’45” đến 108020’40”; vĩ Bắc 16005’50” đến 16009’06” và nằm theo hướng Đông- Tây, có chiều dài khối núi 13 km, chiều rộng từ 1,5- 5km; chu vi bán đảo khoảng 60  km. trong đó ¾ là giáp biển, độ cao trung bình của bán đảo là 350m, điểm cao nhất là (đỉnh Ốc) cao 696m, tiếp đến là điểm truyển hình cao 647m, đỉnh quả cầu cao 621m
  • Địa chất thổ nhưỡng: Sơn Trà được hình thành từ kỉ Cambi cách đây 2000 triệu năm, cấu tạo bởi mac axit, quá trình hình thành chính là rửa trôi các chất kim loại kiềm, kiềm thổ silic, tích lũy sắt nhôm của sản phẩm phong hóa và sườn tích.
  • Về thổ nhưỡng, Bán đảo Sơn Trà có 3 tổ hợp đất chính: đất núi vàng nâu, đất đồi vàng nâu và đất cát ven biển. Do có cấu tạo từ đá granit nên đất chủ yếu là feralit vàng nâu phát triển trên đá granit, đất có thành phần cơ giới nhẹ khả năng giữ nước kém
  • Đặc điểm khí hậu : Sơn Trà có khí hậu nhiệt đới biển và chịu ảnh hưởng của hoàng liên cực đới lạnh. Tổng nhiệt lượng trung bình hàng năm 8700-9362 độ C, nhiệt độ trung bình năm là 24-35 độ C, biên độ nhiệt độ năm 7-9 độ C, biên độ nhiệt ngày 1,5-2 độ C biên độ nhiệt độ đêm 7,1 độ C. Tổng số giờ nắng trong năm 1.800-2.000 giờ.
  • Đặc điểm thủy văn: Bán đảo Sơn Trà có hoảng 20 con suối chảy quanh năm hoặc theo mùa. Có 2 con suối lớn nhất là suối Đá và suối Heo, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho nhân dân sống trong vùng.
  • Tài nguyên rừng: Bán đảo Sơn Trà được bao phủ bởi kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới. Nhưng do tác động cuả con người diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. theo thống kê năm 1989 rừng chỉ còn chiếm 67% diện tích của bán đảo Sơn Trà. Trong đó rừng trung bình còn 400ha, chiếm 9% diện tích; rừng phục hồi 2.610,6 ha, chiếm 58,8% diện tích; còn lại là trảng cây bụi và trảng cỏ.
  • Tài nguyên động vật: theo thống kê năm 2017, động vật Sơn Trà có  366 loài, trong đó, lớp thú có 42 loài, 20 họ, 8 bộ; lớp chim có 162 loài thuộc 45 họ; lớp bò sát có 55 loài, 8 họ; lớp ếch nhái có 22 loài, 6 họ; lớp côn trùng 231 loài, trong đó có 113 loài bướm thuộc 10 họ và 29 loài cánh cứng thuộc 13 họ.
  • Bán đảo Sơn Trà cũng có sự đa dạng về cấu trúc thành phần loài: tổng số loài thực vật bậc cao là 1,010 loài, chiếm 9,37% loài thực vật cao cấp cảu Việt Nam, thuộc 483 chi và 143 họ. Tổng số loài quý hiếm là 22 loài.
Bản đồ hiện trạng rừng ở Sơn Trà (Nguồn: GreenViet)

 2. Giá trị tài nguyên thực vật

Hệ thực vật ở Sơn Trà có tính đa dạng cao về họ, chi, loài. Trong đó ngành hạt kín giữ vai trò quan trọng vì chúng có số lượng họ, chi, loài nhiều nhất; lớp 2 lá mầm giữ vai trò ưu thế hơn so với lớp một lá mầm.

Đã thống kê được 1,010 loài thực vật bậc cao, có mạch thuộc 483 chi, 145 họ (trong đó 329 loài này có giá trị dược liệu, 134 loài có giá trị cung cấp gỗ gia dụng (đường kính > 30 cm), 104 loài có giá trị cây cảnh, 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật, 31 loài có giá trị đan lát, 22 loài thực vật quý hiếm…). Tuy trong một diện tích nhỏ chỉ chiếm 0,014% diện tích của cả nước nhưng số họ thực vật chiếm 37,83% tổng số họ thực vật của Việt Nam, số chi chiếm 19,13% tổng số chi của Việt Nam, số loài chiếm 9,37%  số loài của của Việt Nam.

Đặc biệt là với 329 loài cây dược liệu thuộc 253 chi, 108 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, có một số loài có thể khai thác được là Bách bộ, Thiên môn, Mãn kinh tử, Sầu đâu rừng. Ngoài ra còn một số loài có giá trị khác như: Ngũ gia bì, Lá khôi, Kim ngân nhưng với số lượng cá thể không nhiều.

Bên cạnh đó, nhóm cây dầu nhựa được thống kê gồm11 loài, trong đó sản phẩm của cây Chò chai bị khai thác rất nhiều; nhóm cây đan lát có 31 loài, trong đó có 5 loài mây, song có thể sử dụng được. Lá nón là loài cây phổ biến dưới tán rừng và mọc rất nhiều ở ven rừng Sơn Trà.

Thảm thực vật tự nhiên của Sơn Trà có 3 kiểu: quần hệ rừng kín thường xanh mùa mưa nhiệt đới; quần hệ rừng phục hồi sau khai thác; quần hệ cây bụi và trảng cỏ.

Hệ thực vật Sơn Trà thể hiện tính giao lưu của hai luồng thực vật phía Bắc xuống và phía Nam lên. Hiện trạng hệ thực vật Sơn Trà xuất hiện phổ biến nhiều loài thực vật ưa sáng thuộc các họ: cà phê, cam, trôm, mua, đay… Là những loài thực vật chỉ thị theo diễn thế đi xuống. Điều đó chứng tỏ hệ thực vật Sơn Trà đang bị tác động mạnh theo chiều hướng xấu, cần được giữ gìn và bảo tồn kịp thời.

Hoa chùm bìa (Ảnh: GreenViet)

3. Đa dạng về hệ động vật

Từ kết quả giám định và phân tích mẫu trong thiên nhiên, đã thống kê được thành phần loài động vật ở Sơn Trà gồm 366 loài thuộc 94 họ, 37 bộ trong đó có 20 loài thuộc nguồn gen quý hiếm. Lớp thú có 42 loài, 20 họ, 8 bộ; lớp chim có 162 loài thuộc 45 họ; lớp bò sát có 55 loài, 8 họ; lớp ếch nhái có 22 loài, 6 họ; lớp côn trùng 231 loài, trong đó có 113 loài bướm thuộc 10 họ và 29 loài cánh cứng thuộc 13 họ.

So với tổng số loài động vật ở Việt Nam, động vật có xương sống ở cạn của Sơn Trà có 174 loài, chiếm 12,5%; số bộ có 26 bộ chiếm 70,27% tổng số bộ của Việt Nam, 68 họ chiếm 45,64% trong tổng số họ của Việt Nam.

Thành phần loài côn trùng phổ biến ở Sơn Trà gồm có 231 loài. Trong đó có 6 loài thuộc nguồn gen quý hiếm là: Bọ ngựa, bướm cánh sau vàng, bướm phượng đuôi kiếm, bướm phượng đốm vàng, bướm phượng đen đuôi vàng, bướm phượng cánh chim chấm rời.

Giá trị tài nguyên động vật: Hệ động vật Sơn Trà là yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng nhiệt đới Sơn Trà. Hệ thực vật cung cấp lá, mầm quả, hoa, rễ, lá củ làm thức ăn cho động vật và ngược lại động vật rừng cũng tham gia quá trình tồn tại và phát triển của thực vật.

Các loài động vật ăn thịt, ăn côn trùng đóng vai trò điều chỉnh trong hệ sinh thái. Một hệ sinh thái bền vững khi các yếu tố, các mắt xích của nó giữ được cân bằng một số loài cho phép và việc thuần dưỡng thì khả năng bắt gặp động vật sẽ được tăng lên.

Đặc biệt bán đảo Sơn Trà là nơi cư trú của loài linh trưởng quý hiếm Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) với 1335 cá thể, đây là loài ở mức bảo tồn nguy cấp EN trong sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn cầu (IUCN Red List) và được pháp luật Việt Nam bảo vệ (Nhóm IB, Nghị Định 32).

Tóm lại, khu hệ động vật Sơn Trà là khu hệ bán đảo cô lập có thành phần loài hạn chế, tính đa dạng thấp. Số lượng loài trong các họ, bộ không cao, nhưng số lượng các cá thể của một số loài lớn hơn đất liền. Tính ưu thế sinh thái ở đây chủ yếu là những động vật nhỏ, leo trèo. Giá trị bảo tồn gen động vật ở Sơn Trà có 20 loài quý hiếm. Trong đó loài Voọc chà vá được coi là biểu tượng bảo tồn của Sơn Trà.

Rắn lục ở Sơn Trà (Ảnh: GreenViet)
Chà vá chân nâu – biểu tượng của đa dạng sinh học Sơn Trà (ảnh: GreenViet)

 

Theo nguồn
– Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng

– Và tổng hợp tài liệu từ các nghiên cứu khác

Một suy nghĩ về “KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related post