NỖ LỰC BẢO TỒN CHÀ VÁ CHÂN XÁM TẠI VƯỜN QUỐC GIA SÔNG THANH, TỈNH QUẢNG NAM
Trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Sông Thanh do Tổ chức WWF – Việt Nam tài trợ”, ngày 8/10/2024, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp với Ban quản lý VQG Sông Thanh tổ chức Hội thảo “Tham vấn bảo tồn Chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Sông Thanh” với sự tham dự của hơn 40 đại biểu gồm đại diện các cơ quan chức năng, chủ rừng, các chuyên gia bảo tồn và cộng đồng người dân vùng đệm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc BQL VQG Sông Thanh cho biết: “Vườn Quốc gia Sông Thanh có tổng diện tích vùng lõi là 76.593 ha, gồm 12 xã thuộc 02 huyện Nam Giang và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vườn Quốc gia Sông Thanh tiếp giáp với nhiều Khu bảo tồn, VQG thuộc dãy Trường Sơn và là biên giới giữa Việt Nam – Lào tạo thành một hệ thống khu bảo tồn rộng lớn, sinh cảnh đa dạng của các hệ sinh thái, là nơi trú ngụ thích hợp cho sự phát triển, bảo tồn của các loài động, thực vật quý hiếm.
VQG Sông Thanh được ghi nhận là nơi có mức độ đa dạng sinh học cao trong khu vực dãy Trường Sơn. Đặc biệt là nơi hiện diện của các loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt nhất là loài Voọc Chà vá chân xám (Pygathryx cinerea) – một loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam với vùng phân bố hẹp. Với sự hỗ trợ của dự án “Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại VQG Sông Thanh”, BQL VQG đã phối hợp với Trung tâm GreenViet đã tiến hành thực hiện các hoạt động quan trọng như: Điều tra ghi nhận phân bố loài, Phỏng vấn nhận thức cộng đồng, xây dựng các sản phẩm truyền thông và xây dựng kế hoạch bảo tồn loài dài hạn tại VQG Sông Thanh”.
Từ tháng 01-8/2024, GreenViet phối hợp với BQL VQG Sông Thanh thực hiện 6 đợt điều tra thực địa tại 8 khu vực trên địa bàn các xã Tà Pơ, Chà Val, Tà Bhinh (huyện Nam Giang), Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Công (huyện Nam Giang) với 95 tuyến điều tra có tổng chiều dài 979,5 km. Hoạt động nghiên cứu đã ghi nhận trực tiếp 14 đàn với tổng 95 cá thể Chà vá chân xám tại lâm phận VQG thuộc các địa bàn xã nói trên với 391 ngày công tham gia điều tra, thực địa của cán bộ GreenViet và BQL VQG Sông Thanh.
Tổng hợp kết quả ghi nhận từ năm 2022 đến năm 2024 của BQL VQG Sông Thanh, bản đồ phân bố loài Chà vá chân xám được cập nhật với tổng cộng 36 điểm ghi nhận trên toàn bộ lâm phận Vườn. Các khu vực phân bố quan trọng của loài được xác định gồm khu vực rừng thuộc địa bàn 5 xã: Tà Pơ, Tà Bhinh, Đắk Pring, Phước Năng, Phước Công.
Ông Hoàng Quốc Huy – Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Kết quả nghiên cứu ban đầu về hiện trạng phân bố của loài Chà vá chân xám tại VQG Sông Thanh là cơ sở dữ liệu rất quan trọng để Ban quản lý Vườn Quốc gia xây dựng kế hoạch giám sát bảo tồn loài hiệu quả bền vững về lâu dài”.
Được sự hỗ trợ từ dự án, bản dự thảo kế hoạch Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại VQG Sông Thanh giai đoạn 2025-2030 đã được xây dựng và tham vấn tại Hội thảo. Nội dung chính của bản kế hoạch tập trung vào việc điều tra và giám sát bảo tồn loài Chà vá chân xám, bao gồm các hoạt động cụ thế như: điều tra thông tin phân bố loài ở các khu vực chưa có dữ liệu đầy đủ ở địa bàn 4 xã biên giới La Dê, Đắk Tôi, Đắk Pring và Đắk Pre, thực hiện hoạt động giám sát phân bố loài hàng năm, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng và thực thi pháp luật tại các vùng phân bố quan trọng của loài đã xác định, thực hiện các chương trình nâng cao nhận thực cộng đồng vùng đệm, phục hồi sinh cảnh rừng, …
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Mát – đại diện BQL dự án VFBC trung ương nêu ý kiến “ Nếu tập trung nghiên cứu đầy đủ thì VQG Sông Thanh có khả năng là khu vực có số lượng cá thể Chà vá chân xám lớn so với các khu vực khác tại Việt Nam, cần có mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể hơn để nghiên cứu loài linh trưởng quý, hiếm này tại VQG Sông Thanh”.
Bản kế hoạch dự thảo cũng định hướng cụ thể các giải pháp thực tiễn để triển khai hoạt động, xác định rõ các nguồn lực thực hiện, phương pháp giám sát và đánh giá. Theo đó, các chỉ số chính để đánh giá kết quả hàng năm gồm: chỉ số ổn định của quần thể loài Chà vá chân xám và sinh cảnh rừng, chỉ số quản lý, chỉ số nâng cao năng lực và chỉ số nhận thức cộng đồng.
Ông Tào Quý Tâm – Phó giám đốc BQL VQG Sông Thanh cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu và tiến hành trao đổi với các chuyên gia, chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch áp dụng triển khai trong thời gian tới nhằm bảo tồn bền vững loài Chà vá chân xám tại VQG Sông Thanh. Ông Tâm cũng mong muốn VQG Sông Thanh sẽ nhận được thêm sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước để Vườn Quốc gia thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn loài.