PHỔ BIẾN KIẾN THỨC, TẬP HUẤN KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU VỀ CÁC LOÀI THÚ LINH TRƯỞNG VIỆT NAM CHO 200 SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Ngày 21/9, Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Đà Nẵng, Trung tâm GreenViet và Khoa Sinh – Môi trường (Trường ĐHSP, ĐH Đà Nẵng) đã phối hợp tổ chức phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng nghiên cứu về các loài thú linh trưởng Việt Nam với chủ đề “Bảo vệ động vật hoang dã” cho hơn 200 sinh viên.
Phát biểu tại chương trình, ông Thái Văn Quang, Trưởng Ban tuyên truyền và đối ngoại, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, với những chủ trương lớn của Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, nhất là sự hỗ trợ thường xuyên (về kinh phí, kỹ thuật…) có hiệu quả của các tổ chức quốc tế, công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc có kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết rõ hơn về động vật hoang dã để chung tay giữ gìn, bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có loài linh trưởng là cấp thiết. Từ đó, kêu gọi mỗi người không tác động vào khu vực sinh sống tự nhiên, không chia cắt sinh cảnh sống; không săn bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã…
Thông qua bài chia sẻ của ThS. Trần Hữu Vỹ, GĐ Trung tâm GreenViet, các bạn sinh viên đã được cung cấp các số liệu đáng báo động về buôn bán và săn bắt động vật hoang dã tại Việt Nam, các nhóm loài bị buôn bán chính do nhu cầu làm thuốc, ăn thịt… của con người.
Theo đó, Việt Nam là Trung tâm toàn cầu về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp (EIA &Liberty Shared, 2021; điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán ĐVHD bất hợp pháp (như ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác từ Châu Phi (EIA, 2021); thay thế Trung Quốc để trở thành điểm đến buôn lậu ngà voi đứng đầu thế giới vào 2019 (EIA, 2021).
Theo Báo cáo Đánh giá tình hình buôn bán và tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp ở Việt Nam giai đoạn 2016-2021 thuộc dự án VfD, các nhóm loài động vật hoang bị săn bắt chủ yếu là Linh trưởng, Voi, Tê giác, Tê tê, Mèo, Gấu, Rái cá, Rùa cạn, Móng guốc, nhóm Kỳ đà, Trăn, Rắn. Mặc dù đã có hàng trăm vụ việc vi phạm về quy định về bảo vệ động vật hoang dã bị đưa ra xét xử nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một số loài quý, hiếm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng được nhìn nhận rõ các thách thức trong công tác bảo vệ động vật hoang dã. Vấn đề du khách cho khỉ ăn tại Bán đảo Sơn Trà đang ngày càng gây nguy hiểm cho con người là một ví dụ gần gũi và điển hình.
Tại đây, ThS. Trần Hữu Vỹ cũng đưa ra các nội dung trong Hiến pháp, Pháp luật liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học nói chung giúp sinh viên có thêm nền tảng cho việc nghiên cứu, học tập và hiểu rõ hơn các quy định của Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã.
Ban tổ chức cũng đã tạo một sân chơi nhỏ cho sinh viên qua cuộc thi “Rung đuôi Voọc” với các câu hỏi liên quan đến kiến thức bảo vệ động vật hoang dã.
Kết thúc chương trình, 12 sinh viên xuất sắc trong cuộc thi đã được đồng hành cùng GreenViet tham quan Bán đảo Sơn Trà, khám phá thiên nhiên và tìm hiểu về loài Voọc Chà vá chân nâu sinh sống trên bán đảo.